Gắn kết với ASEAN để phát triển kinh tế

Mục tiêu trong năm 2025 của Việt Nam là phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 8%. Theo bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), để đạt được mục tiêu này cần phải tập trung vào các thị trường trọng điểm, trong đó ASEAN là khu vực đặc biệt quan trọng.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

ASEAN là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam trên hầu hết các khía cạnh. Thưa bà, vai trò của những người bạn láng giềng này trong phát triển kinh tế - xã hội ra sao?

Về thương mại, ASEAN là một trong 6 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Nếu như năm 2010, Việt Nam xuất khẩu vào khu vực này 10,365 tỷ USD, thì đến năm 2020 đã tăng lên trên 23,411 tỷ USD và năm 2023 đạt 32,538 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ ASEAN tương ứng 16,408 tỷ USD, 30,485 tỷ USD và xấp xỉ 40,883 tỷ USD. Trong 11 tháng của năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN 33,7 tỷ USD và nhập khẩu 42,3 tỷ USD, cùng tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. ASEAN là đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam về thương mại.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ASEAN luôn dẫn đầu trong số các quốc gia và khu vực đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư của Singapore. ASEAN cũng là khu vực được doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều nhất.

Tôi muốn nhấn mạnh vào “ngành công nghiệp không khói” - đó là du lịch nói riêng, dịch vụ nói chung. Khu vực dịch vụ đóng góp gần một nửa trong tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm 2024 đạt 6,82%, thì khu vực dịch vụ đóng góp 48,41% mặc dù khu vực này chỉ tăng 6,95%. Nếu khu vực này đạt tốc độ tăng cao hơn nữa, chắc chắn tốc độ tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm 2024 sẽ cao hơn. Trong quý IV/2024, khu vực dịch vụ, tiếp tục có sự cải thiện, là động lực rất quan trọng góp phần tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 7%.

Bà có thể phân tích thêm về đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng kinh tế?

Du lịch ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Trong 11 tháng của năm nay, doanh thu du lịch lữ hành tăng 17,3%, nhờ đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 11,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng có sự đóng góp rất quan trọng của khách du lịch quốc tế, trong đó khách đến từ thị trường ASEAN chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng số khách đến Việt Nam. Có thể nói, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực du lịch, trong đó có du lịch quốc tế.

Trong 11 tháng của năm nay, Việt Nam đã đón hơn 15,8 triệu lượt du khách quốc tế, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, lượng khách đến từ khu vực ASEAN chiếm tỷ trọng đáng kể.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm tới, tại Công điện 137/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục tăng cường quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế, phấn đấu thu hút trên 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025.

Yếu tố nào giúp tăng cường gắn kết Việt Nam với các nước ASEAN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thưa bà?

Trên thực tế, quan hệ giữa các nước không phải hoạt động đầu tư, thương mại hay chính trị dẫn dắt, mà văn hóa mới là yếu tố dẫn dắt. Đầu tư, thương mại là hệ quả tất yếu trước sự dẫn dắt của văn hóa. Trong tiến trình hội nhập với ASEAN, bên cạnh kinh tế, ngoại giao, thương mại... thì văn hóa là sức mạnh nội sinh để liên kết, gắn kết nền văn hóa - du lịch của các thành viên ASEAN với nhau. Văn hóa chính là điểm tựa để các thành viên xây dựng niềm tin, lòng tin lẫn nhau, từ đó mới phát sinh hoạt động kinh tế, du lịch, đầu tư, thương mại. Trong khu vực ASEAN, với trên 695 triệu dân, đa sắc tộc, đa tôn giáo, văn hóa đa dạng, nhưng có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa.

Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Khi trụ cột văn hóa được thắt chặt, hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch trong nội khối tiếp tục gia tăng, bền chặt, tạo tiền đề để các nước cùng nhau phát triển kinh tế lâu dài.

Việt Nam ngày càng đón nhiều du khách ASEAN và ngược lại, ngày càng có nhiều người Việt đi du lịch ASEAN. Theo bà, cần phải làm gì để đẩy mạnh hoạt động du lịch nội khối?

Vai trò của văn hóa, thể thao và du lịch trong nội khối vô cùng quan trọng để làm mờ đi sự khác biệt, làm đậm thêm sự tương tác, gắn bó. Trong ASEAN, du lịch nội khối là một trong những trọng tâm, trụ cột của sự gắn bó. Bình quân những năm gần đây, khu vực ASEAN đón 100 triệu du khách quốc tế/năm, trong đó khách du lịch nội khối chiếm trên 40%. Với trên 40 triệu khách du lịch nội khối mỗi năm, có thể nói, du khách nội khối góp phần đặc biệt quan trọng để các nước ASEAN phát triển du lịch lữ hành và các lĩnh vực liên quan như nhà hàng, khách sạn, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, sản phẩm thủ công mỹ nghệ...

Để phát triển ngành du lịch, hàng năm, ASEAN tổ chức Hội nghị Bộ trưởng du lịch cùng với các triển lãm về du lịch, diễn đàn du lịch, là diễn đàn để các cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp du lịch lữ hành, hàng không, khách sạn, nhà hàng trong khu vực gặp gỡ, trao đổi, giao lưu ký kết hợp tác, không chỉ thu hút khách du lịch nội khối mà còn thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến với ASEAN. Bên cạnh đó, giữa các nhóm nước trong khu vực cũng phát triển các sản phẩm chung, ví dụ Thái Lan đang khởi xướng chương trình du lịch “Sáu quốc gia - một điểm đến”.

Hiện tại, các nước ASEAN đã và đang xây dựng nhiều sáng kiến thu hút khách du lịch chung. Trong những năm tới, hoạt động này càng thêm nhộn nhịp khi Việt Nam là một trong những nước khởi xướng và điều phối nhiều sản phẩm du lịch chung như du lịch tàu biển, lễ hội, văn hóa để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là du khách ở địa bàn trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Để thúc đẩy mối quan hệ trong ASEAN, bên cạnh vai trò của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, thì các tổ chức cũng rất quan trọng. Thưa bà, hiện tại đóng góp của các tổ chức này thế nào?

Vai trò của các tổ chức phi chính phủ rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ nội khối. Theo tôi được biết, trong số các tổ chức phi chính phủ, hoạt động không vì lợi nhuận, C asean được thành lập bởi Thai Beverage Public Company Limited (ThaiBev - doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư rất thành công tại Việt Nam) vào năm 2015, nhằm tạo ra một nền tảng kết nối các cộng đồng ASEAN, tập trung vào 3 trụ cột chính: kinh doanh và phát triển bền vững; nghệ thuật và văn hóa; lãnh đạo và phát triển nhân tài.

Năm 2022, C asean đã thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Với nhiều hoạt động của mình, C asean đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực, thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gan-ket-voi-asean-de-phat-trien-kinh-te-d235004.html
Zalo