Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho thanh niên khu vực miền núi phía bắc

Với bề dày kinh nghiệm đào tạo nghề, những năm gần đây Trường cao đẳng nghề số I (Bộ Quốc phòng), đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên) có nhiều đổi mới phương thức đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, cho nên hầu hết học viên tốt nghiệp, nhất là bộ đội xuất ngũ sau khi học nghề đều có việc làm ổn định.

Trường cao đẳng nghề số I gắn đào tạo lý thuyết với thực hành.

Trường cao đẳng nghề số I gắn đào tạo lý thuyết với thực hành.

Với quy mô đào tạo 7.000 học viên/năm các hệ cao đẳng nghề (2,5 năm), trung cấp nghề (1,5 đến 2 năm) và sơ cấp nghề (dưới 1 năm), những năm vừa qua Trường cao đẳng nghề số I gắn kết với hàng trăm trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn… để tuyên truyền hướng nghiệp, tuyển sinh dạy nghề. Giữa tháng 4/2025, nhà trường tổ chức hội nghị với gần 500 đại biểu đại diện các địa phương, các trường phổ thông để hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2025.

Đại tá Phạm Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số I cho biết: Triển khai nhiệm vụ được giao, từ năm 2025 nhà trường mở rộng đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ tại các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu II. Năm 2025 đào tạo nghề cho khoảng 3.000 bộ đội xuất ngũ, đợt I có gần 1.000 học viên đang theo học các nghề sơ cấp.

Để giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp, tránh lãng phí nguồn nhân lực và kinh phí đào tạo, nhà trường thường xuyên kết nối, “đặt hàng” đào tạo nghề cho các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh; hợp tác với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) để đào tạo nghề, đi làm việc ở nước ngoài với chi phí thấp.

Sau khi nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động, thực hiện các hợp đồng cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nhà trường hướng nghiệp học nghề cho các học viên và tổ chức đào tạo; gắn học lý thuyết với thực hành để học viên thuần thục nghề. Do đó, Đại tá Phạm Văn Hòa chia sẻ: Nhà trường đào tạo học viên tốt nghiệp đến đâu là các doanh nghiệp tiếp nhận đến đấy, 100% học viên ra trường có việc làm.

Bộ đội xuất ngũ học nghề điện lạnh tại Trường cao đẳng nghề số I.

Bộ đội xuất ngũ học nghề điện lạnh tại Trường cao đẳng nghề số I.

Những năm gần đây nhà trường coi trọng phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo thường xuyên, đào tạo lại nguồn nhân lực. Đó là những công nhân, người lao động, cán bộ kỹ thuật đã có 5 đến 7 năm hành nghề thuần thục, nhưng không có bằng cấp, cho nên cần phải bồi dưỡng, đào tạo lại để chuẩn hóa trình độ, bằng cấp một cách chuyên nghiệp.

Nhu cầu lao động, nhất là lao động được đào tạo nghề của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp, chế biến nông-lâm sản, xây dựng…là rất lớn, thu nhập ổn định, nhiều đơn vị trả lương bình quân 15-20 triệu đồng/tháng. Nhưng một bộ phận trong xã hội, nhiều phụ huynh học sinh không muốn cho con em đi học nghề để làm công nhân mà học lên đại học, học xong nhiều người không tìm được việc làm tương ứng với trình độ được đào tạo và đi làm công nhân.

Theo Đại tá Phạm Văn Hòa, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề chưa phát huy hết năng lực đào tạo, ít người học. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, địa phương chưa làm tốt công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, cho phụ huynh và xã hội; việc đào tạo nghề chưa thật sự gắn với thị trường lao động dẫn đến “lệch pha”, lãng phí nguồn nhân lực.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gan-dao-tao-nghe-voi-giai-quyet-viec-lam-cho-thanh-nien-khu-vuc-mien-nui-phia-bac-post871353.html
Zalo