Nửa thế kỷ vươn lên cùng đất nước - Bài 3: Tạo đà cho đổi mới, phát triển
Bài 1: Vạn sự khởi đầu nan
Bài 2: Quyết định "lịch sử"
Mặt trận nông nghiệp bắt đầu được đẩy nhanh nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo lương thực cho người dân sau thời gian khó khăn. Khi đi vào sản xuất ổn định, Tiền Giang tính toán đến những mục tiêu rộng lớn hơn, các chương trình kinh tế trọng điểm từ đó được ra đời.
Đây là tiền đề rất quan trọng để Tiền Giang vững tin cùng với cả nước chuẩn bị bước vào giai đoạn đổi mới, thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
VƯỢT NGƯỠNG 1 TRIỆU TẤN LƯƠNG THỰC
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, kinh tế cả nước nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng bị bao vây, cấm vận, các thế lực thù địch tiếp tục phá hoại; thiên tai liên tiếp xảy ra, mất mùa đói kém, chiến tranh biên giới bùng nổ…

Thành công trên mặt trận nông nghiệp là tiền đề quan trọng để Tiền Giang bước vào chặng đường mới.
Do vậy, việc khôi phục, phát triển kinh tế trở nên khó khăn hơn nhiều. Không lùi bước trước những thách thức, Tiền Giang quyết tâm đề ra các chủ trương, chính sách lớn để phát triển, nhất là trên mặt trận nông nghiệp.
Xuất phát từ thực tiễn, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II diễn ra ngày 3-1-1980, Đảng bộ tỉnh đã năng động, sáng tạo đề ra 5 chương trình kinh tế có mục tiêu, trong đó ngoại trừ Chương trình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 4 chương trình còn lại gồm: Chương trình sản xuất lương thực năng suất cao, mục tiêu chủ yếu là vùng lúa năng suất cao (kinh tế lúa - gạo); Chương trình phát triển kinh tế vườn; Chương trình phát triển cây công nghiệp; Chương trình kinh tế biển, mục tiêu chủ yếu là ven biển Gò Công và ven sông Tiền (kinh tế thủy sản) đều nhằm tập trung phát triển nông nghiệp với giải pháp đột phá về thủy lợi, giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trong đó tập trung nạo vét hành loạt kinh mương phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.
Theo hồi ức của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Công Bình, giai đoạn này, Tiền Giang đặt chỉ tiêu lấy 1 triệu tấn lương thực làm chuẩn để 4 chương trình phát triển kinh tế vườn, kinh tế biển, cây công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phấn đấu đạt tổng giá trị bằng 5 triệu tấn lương thực mỗi năm.
Từ đó, mặt trận nông nghiệp được tỉnh tập trung đầu tư toàn diện hơn và gặt hái được nhiều thành công. Đến tháng 12-1986, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI của Đảng đề ra chủ trương đổi mới toàn diện, đã được Tỉnh ủy Tiền Giang cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách về cơ chế quản lý nông nghiệp, tiếp tục tạo nên một luồng gió mới trong sản xuất, nông dân phấn khởi, mạnh dạn đầu tư vốn để thâm canh, tăng vụ, khai hoang mở rộng diện tích canh tác và Tiền Giang đã có mốc thời gian đáng nhớ.
Đó là, năm 1990 lần đầu tiên sản lượng lúa tại Tiền Giang vượt ngưỡng 1 triệu tấn (1.002.140 tấn) và đã có 61.000 tấn xuất khẩu. Cũng từ năm 1990 trở đi, lượng lương thực hàng hóa của Tiền Giang ngày càng nhiều, mỗi năm có đến 500 - 600 ngàn tấn, trong đó xuất khẩu bình quân trên 100.000 tấn/năm; sản lượng lương thực hàng hóa còn lại đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, lợi nhuận của nông dân tăng lên đáng kể, bình quân một vụ trong năm 1993 mức lãi 28%, năm 1994 là 35%...
Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những năm sau đó, sản lượng lương thực của Tiền Giang liên tục vượt ngưỡng 1 triệu tấn (năm 2005 đã đạt 1,3 triệu tấn, xuất khẩu trên 300 ngàn tấn gạo), góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Đặc biệt đến năm 2006, Tiền Giang chủ trương chỉ đạo sản xuất lúa theo hướng an toàn, áp dụng IPM, 3 giảm 3 tăng, ứng dụng công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, mô hình Thực hành nông nghiệp tốt (GAP)...
Và ngay sau thời điểm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) vào năm 2007, Tiền Giang đã ghi thêm một dấu mốc quan trọng, là tỉnh đi đầu trong sản xuất lúa an toàn (GAP) với Hợp tác xã Mỹ Thành, huyện Cai Lậy được thành lập năm 2008 có 11,4 ha canh tác lúa được cấp Chứng nhận GlobalGAP - đây là đơn vị đầu tiên trên cả nước có được chứng nhận này... Thành công từ Chương trình sản xuất lương thực năng suất cao, mục tiêu chủ yếu là vùng lúa năng suất cao đã và đang được tiếp nối cho đến hôm nay.
BƯỚC NGOẶT MỚI
Bên cạnh thành tựu về Chương trình kinh tế lúa - gạo, Chương trình chuyên canh cây công nghiệp, các Chương trình phát triển kinh tế vườn, kinh tế thủy sản cũng đã đạt những kết quả quan trọng. Kinh tế vườn là tiềm năng cũng là lợi thế của vùng đất Tiền Giang đã và đang được khai thác hiệu quả. Bởi, nguồn đất đai màu mỡ, trù phú được bao phủ bởi những loại cây ăn trái đem lại lợi ích kinh tế cao, trở thành một trong những lợi thế quan trọng của Tiền Giang.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm sâu sát của ngành Nông nghiệp qua các thời kỳ cùng với sự nỗ lực của nhà vườn, sản xuất cây ăn trái của tỉnh ngày càng gia tăng cả về diện tích lẫn sản lượng, đạt được một số thành tựu vượt bậc. Thực tế cho thấy, vào năm 1976 diện tích vườn cây ăn trái của Tiền Giang đạt khoảng 26.760 ha, nhưng chủ yếu là vườn tạp, nên phong trào xóa vườn hoang được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 1990, phong trào xóa vườn hoang, cải tạo vườn tạp thâm canh cây trồng hiện có, mở rộng diện tích cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao… được đẩy mạnh.
Từ đó, sản lượng trái cây năm 1990 của Tiền Giang đã đạt 164.000 tấn; năm 1994, năm 1995 mỗi năm đạt trên 300.000 tấn, giá trị sản lượng đạt 700 tỷ đồng/năm, với mức lãi gấp 2- 3 lần so sản xuất lúa. Sản phẩm trái cây xuất khẩu thời kỳ này là nhãn, chuối già, xoài, khóm, thanh long…
Với chủ trương cải tạo vườn tạp, thâm canh các loại cây ăn trái chủ lực, đặc sản có lợi thế, mở rộng diện tích trồng mới theo quy hoạch, các ô bao chống lũ được đầu tư… nên diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả trên đơn vị diện tích đều tăng ở các năm tiếp theo.
Tiếp nối thành công, những năm qua kinh tế vườn của Tiền Giang đã mang lại những dấu ấn rõ nét, nhất là đối với cây ăn trái. Đến nay, Tiền Giang trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về diện tích trồng cây ăn trái, với mục tiêu trong năm 2025 đạt hơn 88.000 ha, với sản lượng đạt 1,85 triệu tấn. Điều này cho thấy bước tiến dài trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái của Tiền Giang, điều này chắc chắn được khơi nguồn từ các chủ trương lớn của tỉnh sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, mà trọng điểm là Chương trình phát triển kinh tế vườn.
Bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Tiền Giang đã thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm; đầu tư về hạ tầng các công trình thủy lợi, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đã và đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành, hướng đến mục tiêu giá trị gia tăng, tăng thu nhập nông hộ và phát triển bền vững trên cơ sở lợi thế và tiềm năng.
Nhìn từ thực tiễn mới thấy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IV phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Tiền Giang. Đường lối đổi mới của Đảng như luồng gió mới làm mát lòng nhân dân cả nước, đáp ứng kịp thời mong mỏi của nhân dân.
Cùng với xu hướng chung của đất nước, Tiền Giang cũng từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, cùng với các thành phần kinh tế khác, cơ sở kinh tế tư nhân có chiều hướng vươn lên, huy động ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh, tạo cho nền kinh tế những nhân tố mới năng động hơn trong cơ chế kinh tế thị trường.
ANH PHƯƠNG
(còn tiếp)