Gần dân, sát dân hơn để phục vụ tốt hơn

Theo đánh giá của các đại biểu, việc toàn tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu đòi hỏi tái cấu trúc tổ chức bộ máy, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong lộ trình xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Việc sắp xếp, tổ chức các xã, phường sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực, khắc phục trùng lặp trong quản lý, tạo ra các đơn vị hành chính đủ lớn về quy mô, đủ mạnh về tiềm lực để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Chuyển đổi sâu rộng mô hình quản trị địa phương

Qua quá trình rà soát, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện và vô cùng thận trọng, tỉnh Hưng Yên đã xác định rõ ràng lộ trình và phương án sắp xếp đối với 139 đơn vị hành chính cấp xã hiện có. Theo phương án này, sau khi tiến hành sáp nhập, tỉnh sẽ hình thành 33 xã và 6 phường mới. Đây là một khối lượng công việc đồ sộ, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo trên mọi phương diện, từ pháp lý, tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, phát triển hạ tầng, bảo đảm tài chính và ngân sách. Đặc biệt, công tác vận động, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân được tỉnh hết sức chú trọng.

Trên cơ sở sự tán thành, thống nhất rất cao, HĐND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như sự tham gia đóng góp ý kiến đầy tâm huyết và trách nhiệm của đông đảo cử tri, Nhân dân trong tỉnh. Điều này đã góp phần quan trọng giúp phương án sắp xếp được xây dựng một cách bài bản, sát với thực tiễn, có tính khả thi cao và hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân Hưng Yên.

Dẫu mới chỉ là bước đi đầu tiên, song việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau quyết nghị này là cả một chuỗi nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành trong toàn tỉnh; đặc biệt là trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh sau quá trình sáp nhập. Điều quan trọng hơn cả là cần xác định rõ việc sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là một hành động về mặt tổ chức, hành chính mà còn là quá trình chuyển đổi sâu rộng mô hình quản trị địa phương. Quá trình này đòi hỏi một tư duy hoàn toàn mới trong công tác lãnh đạo, quản lý và phục vụ Nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

 Toàn cảnh Kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh Hưng Yên Khóa XVII. Ảnh: B. Trâm

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh Hưng Yên Khóa XVII. Ảnh: B. Trâm

Trước đó điều hành kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đã nhấn mạnh: việc HĐND tỉnh cho ý kiến và thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn là một nội dung có tính chất cải cách mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy chính quyền, nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân hơn khi không còn tổ chức chính quyền cấp huyện.

Tạo đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình thực hiện

Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu tổ chức bộ máy, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong lộ trình xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Việc sắp xếp, tổ chức các xã, phường không chỉ nhằm tiết kiệm nguồn lực, tránh trùng lặp trong quản lý mà còn giúp khai thác tối đa tiềm năng của từng địa phương, tạo ra các đơn vị hành chính đủ lớn về quy mô, đủ mạnh về tiềm lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.

Về nội dung này, kiến nghị tại báo cáo thẩm tra do Ban Pháp chế HĐND tỉnh trình kỳ họp cũng đã thẳng thắn lưu ý: sau khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ có sự thay đổi về số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các xã mới; vì vậy, UBND tỉnh cần chủ động xây dựng, kịp thời triển khai phương án bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện làm việc để các xã mới đi vào hoạt động ngay, hoạt động liên tục, thông suốt, kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp; phương án cụ thể bố trí, xử lý tài sản công dôi dư, quản lý dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách, xử lý nợ công sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.

Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội bảo đảm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong quá trình thực hiện; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; xây dựng kế hoạch giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Cùng với đó, chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc rà soát, hệ thống hóa toàn bộ văn bản pháp luật sau sắp xếp đơn vị hành chính để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hợp pháp trong hệ thống văn bản, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức, điều hành và phục vụ Nhân dân…

Diệu Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gan-dan-sat-dan-hon-de-phuc-vu-tot-hon-post411667.html
Zalo