Ninh Bình và tầm nhìn đô thị di sản thiên niên kỷ
Việc công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 không chỉ là một bước kỹ thuật trong công tác quy hoạch. Đây là sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị của Ninh Bình, với mục tiêu dài hạn là xây dựng Hoa Lư trở thành đô thị di sản và là hạt nhân lan tỏa phát triển toàn vùng.
Tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức Hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 theo Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 26-3-2025 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Phát triển thành phố Hoa Lư trở thành hình mẫu của Đô thị di sản thiên niên kỷ
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Xây dựng đã báo cáo một số nội dung chính của Quyết định số 668/QĐ-TTg ngày 26-3-2025 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.

Một góc đô thị thành phố Hoa Lư.
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm: Toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hoa Lư, xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn, xã Khánh Hòa và xã Khánh Phú thuộc huyện Yên Khánh; một phần ranh giới hành chính các xã Gia Tân thuộc huyện Gia Viễn, phường Tân Bình và xã Yên Sơn thuộc thành phố Tam Điệp, xã Phúc Sơn và xã Quỳnh Lưu thuộc huyện Nho Quan, xã Khánh Thượng thuộc huyện Yên Mô.
Quy mô lập quy hoạch khoảng 23.242ha, cấu trúc phát triển theo mô hình đô thị di sản với cấu trúc gắn kết giữa di sản và đô thị, nông thôn gồm, 1 trung tâm vùng lõi Di sản Tràng An-Hoa Lư; 2 vùng là vùng xây dựng đô thị tập trung, vùng di sản và sinh thái đô thị; 5 khu vực: đô thị trung tâm, Quần thể danh thắng Tràng An, sinh thái đô thị, Bái Đính, Bến Đang.
Với định hướng phát triển không gian đô thị gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An, di tích Cố đô Hoa Lư, theo mô hình đô thị di sản; phát triển đô thị tập trung phía đông, gắn với trục phát triển bắc nam, tạo vành đai đô thị, dịch vụ xung quanh vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư; phát triển không gian đô thị xanh gắn với hệ sinh thái tự nhiên; phục hồi, phục dựng các giá trị văn hóa di sản, cố đô, các tuyến sông cổ, công trình và cảnh quan sinh thái ven sông cổ, tuyến đường cổ, làng cổ; thực hiện sắp xếp lại các khu vực dân cư hiện trạng, khu dịch vụ du lịch và một số cơ sở hạ tầng nằm trong vùng lõi để tạo điều kiện bảo tồn, bảo vệ được giá trị của di sản…

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Từ Quy hoạch này, tỉnh tiếp tục xác định và đã được phê duyệt với các mục tiêu lớn.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Mục tiêu lớn của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian qua là hướng tới với xây dựng Hoa Lư trở thành đô thị di sản và là hạt nhân, động lực lan tỏa, thúc đẩy xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mục tiêu này cũng đã được Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do vậy, việc lập, điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040 chính là quán triệt, triển khai mục tiêu đó và những định hướng được xác định trong quy hoạch chính là động lực, cơ sở hết sức quan trọng dẫn dắt quy hoạch tỉnh và làm cơ sở nền tảng về khoa học, thực tiễn để Ninh Bình đạt được những kết quả rất tích cực trong định hướng, lãnh đạo chỉ đạo trong suốt giai đoạn vừa qua và ngay cả thời điểm hiện tại, tạo nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh cũng như các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng.
Từ Quy hoạch này, tỉnh tiếp tục xác định và đã được phê duyệt với các mục tiêu lớn đó là: Đô thị di sản thiên niên kỷ, trung tâm du lịch cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức; Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế hội nhập sâu rộng vào mạng lưới đô thị di sản thế giới; Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình là hạt nhân để xây dựng toàn tỉnh trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo định hướng tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đã làm rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch đô thị, tính chất đô thị và định hướng phát triển đô thị trong tương lai. Hiểu theo nghĩa rộng quy hoạch chính là dẫn dắt, là nắm bắt xu hướng và quá trình vận động khách quan của thế giới. Chính vì vậy, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào thì công tác quy hoạch luôn phải đi trước và thể hiện rõ tầm nhìn, định hướng chiến lược cho địa phương. Đối với tỉnh Ninh Bình, việc điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị đến năm 2040 là nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy hành chính và phát triển liên kết vùng.
Tính chất đô thị thiên niên kỷ
Đồng chí Bí thư tỉnh ủy cũng đã phân tích, định hướng rõ hơn về tính chất đô thị thiên niên kỷ mà Ninh Bình lựa chọn. Thiên niên kỷ ở đây không chỉ bao hàm một đô thị Cố đô nghìn năm tuổi- nơi khởi nguyên của Nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước xây dựng nền hành chính quốc gia đầy đủ, hoàn chỉnh đầu tiên của dân tộc, mở ra nền văn minh Đại Việt. Thiên niên kỷ còn thể hiện ở việc hiếm có ở đâu sau khi dời đô mà tính chất đô thị vẫn trường tồn, liên tục, chứ không trở thành “phế tích”. Theo thời gian, có thể tính chất đô thị Hoa Lư đã hòa vào nông thôn nhưng vị thế của một kinh đô vẫn được khẳng định qua các thời kỳ, trở thành khí thiêng dân tộc.

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nêu rõ tính chất của đô thị di sản thiên niên kỷ.
Thiên niên kỷ còn được hiểu là việc xây dựng một mô hình đô thị ứng phó với thách thức thiên niên kỷ của quá trình đô thị hóa mà thế giới đang phải đối mặt đó là đô thị nén, đô thị bê tông làm thôn tính di sản, xâm hại môi trường, thôn tính nông thôn. Chính vì vậy, mô hình đô thị mà Ninh Bình lựa chọn là mô hình giải nén thách thức đô thị hóa cho cả thế giới đang phải đối mặt.
Theo đó chúng ta xây dựng đô thị Ninh Bình như một thành phố công viên: Công viên khoa học tri trức, đổi mới sáng tạo; công viên di sản, công viên văn hóa, công viên phim trường, công viên làng nghề… phục vụ cho nền kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa theo mô hình đô thị cảnh quan văn hóa, nhưng không xung đột với đô thị hiện đại và không thôn tính nông thôn. Sự lựa chọn mô hình đô thị này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển tại Ninh Bình khi xác định du lịch và công nghiệp văn hóa là cụm ngành kinh tế mũi nhọn đồng thời nó cũng đồng nhất với xu hướng văn minh thế giới.
Ngoài ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý Đô thị Ninh Bình được xác định với tư cách là trung tâm tổng hợp của tỉnh, trung tâm chuyên ngành của vùng và quốc gia, vươn tầm quốc tế trong đó bao hàm: Trung tâm đô thị du lịch cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế; Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, du lịch và dịch vụ của tỉnh Ninh Bình… vì vậy, quá trình hiện thực hóa quy hoạch các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, thống nhất về mặt tư tưởng để lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, thực hiện đúng định hướng, xây dựng Ninh Bình trở thành hình mẫu đô thị di sản thiên niên kỷ của Việt Nam và thế giới.
Với quy hoạch lần này, Ninh Bình không chỉ hoạch định tương lai đô thị của mình, mà còn kiến tạo một mô hình phát triển độc đáo, bền vững và đầy tính nhân văn, góp phần định hình tương lai phát triển đô thị Việt Nam trên bản đồ thế giới.