Việt Nam - Campuchia ký thỏa thuận mới về thúc đẩy thương mại song phương

Đây là văn kiện pháp lý có ý nghĩa lớn đối với doanh nghiệp hai nước khi đưa ra mức ưu đãi thuế quan cho nhiều hàng hóa thế mạnh của mỗi bên, ưu đãi hơn cả Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), theo Bộ Công Thương.

Toàn cảnh cuộc hội đàm. Ảnh: Bộ Công Thương

Toàn cảnh cuộc hội đàm. Ảnh: Bộ Công Thương

Nhận lời mời của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, bà Cham Nimul - Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 28 - 29/4.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, chiều 28/4, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Cham Nimul nhằm trao đổi các định hướng thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Hai bên đồng thời cùng nhau ký kết Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia giai đoạn 2025 - 2026.

Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả thực chất đã đạt được trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian qua. Hai Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác về kinh tế - thương mại, coi đây là trụ cột trong định hướng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hai nước có bề dày quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời, cơ chế hợp tác liên Bộ chặt chẽ, hiệu quả, hai nước có nhiều tiềm năng bổ trợ lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa xuất – nhập khẩu. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Mặc dù mục tiêu này rất thách thức nhưng hai bên hoàn toàn có cơ sở để thực hiện và hoàn thành.

Bộ trưởng cho biết, thương mại song phương Việt Nam – Campuchia không chỉ tăng trưởng về quy mô, mà còn đang chuyển dần về chất, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình hợp tác mới, kênh phân phối hiện đại và sự tham gia năng động của doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp đã liên tục được duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần mở rộng thị trường và tạo động lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, thương mại song phương, đặc biệt là thương mại biên giới đã ghi nhận nhiều bước tiến, song vẫn đang đối mặt với một số khó khăn cần được hai bên phối hợp tháo gỡ trong thời gian tới.

Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam - Campuchia cần thúc đẩy các chương trình thương mại theo hướng chuyên nghiệp, có chiều sâu và gắn sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường của mỗi bên và thúc đẩy sự phát triển đồng đều, bền vững trong thương mại song phương.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc hội đàm. Ảnh: Bộ Công Thương

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc hội đàm. Ảnh: Bộ Công Thương

Hoàn toàn nhất trí với các ý kiến, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Nimul bày tỏ cảm ơn chân thành tới Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức buổi làm việc trọng thị và hiệu quả.

Bộ trưởng Cham Nimul nhấn mạnh, chuyến thăm lần này là dịp quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, tăng cường trao đổi về các định hướng hợp tác lớn trong giai đoạn mới. Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30/4, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cham Nimul thông báo Campuchia sẽ tổ chức một số hội chợ, triển lãm quốc tế và trân trọng mời các doanh nghiệp Việt Nam tham dự, nhằm tăng cường giao lưu thương mại và kết nối doanh nghiệp hai bên.

Để tăng cường hơn hiệu quả hợp tác, Bộ trưởng Thương mại Campuchia đề xuất hai bên nghiên cứu thành lập Ủy ban Hợp tác Thương mại Song phương Việt Nam – Campuchia, đồng thời giao cấp chuyên viên hai Bộ phối hợp làm việc cụ thể, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết.

Ngoài ra, Campuchia sẽ nghiên cứu triển khai một số dự án tại các khu vực kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy trao đổi hàng hóa tại các cặp cửa khẩu, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương, kết nối doanh nghiệp hai nước.

Trên cơ sở đánh giá những tồn tại, vướng mắc, hai Bộ trưởng đã có những trao đổi cụ thể về một số biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, thống nhất một số định hướng lớn cho thời gian tới.

Theo đó, hai bên tập trung đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng logistics và mạng lưới phân phối tại khu vực biên giới; chuyển nhanh, chuyển mạnh thương mại tiểu ngạch sang chính ngạch; tiếp tục phối hợp quyết liệt đấu tranh với tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại ở khu vực biên giới giữa hai nước.

Việt Nam - Campuchia hợp tác chặt chẽ trong các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp; tăng cường chia sẻ thông tin, thúc đẩy hợp tác kỹ thuật ở cấp chuyên môn để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giảm thiểu việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc tranh chấp không đáng có trong tương lai.

Hai Bộ trưởng ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2025 - 2026. Ảnh: Bộ Công Thương

Hai Bộ trưởng ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2025 - 2026. Ảnh: Bộ Công Thương

Sau buổi hội đàm, được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Cham Nimul đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2025 - 2026.

Đây là văn kiện pháp lý quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước khi đưa ra mức ưu đãi thuế quan cho nhiều hàng hóa thế mạnh của mỗi bên, ưu đãi hơn cả Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Hiện nay, nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thương mại song phương Việt Nam - Campuchia cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Chính vì vậy, việc hai bên tiếp tục ký kết Bản Thỏa thuận cho giai đoạn 2025 - 2026 mang tính chiến lược, giúp Việt Nam và Campuchia khai thác hiệu quả hơn nữa tính bổ sung của hai nền kinh tế, thắt chặt kết nối chuỗi cung ứng, phát triển thương mại song phương cân bằng, bền vững và tương xứng với quy mô và tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Theo Bộ Công Thương, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 10,1 tỷ USD, tăng 17,5% so với năm 2023, đảo chiều xu hướng giảm của năm trước đó và chứng tỏ sự phục hồi tích cực, bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.

Trong quý 1/2025, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia đạt 1,3 tỷ USD (tăng 9,3% YoY) và nhập khẩu đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9% YoY).

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Ở chiều ngược lại, Campuchia là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong ASEAN.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-campuchia-ky-thoa-thuan-moi-ve-thuc-day-thuong-mai-song-phuong-40970.html
Zalo