Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch bền vững
Những cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) sở hữu di sản tương đồng có cơ hội được học hỏi, kết nối và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Những kế hoạch phát triển di sản thành sản phẩm phục vụ du lịch được thực hiện nhằm hướng đến một tương lai phát triển bền vững hơn cho các bản làng còn khó nghèo nơi phía biên giới xa xôi.
Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều vừa được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh triển khai tại xã Kim Thủy (Lệ Thủy) và xã Trọng Hóa (Minh Hóa). Đây là hoạt động thuộc dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”.
Lan tỏa giá trị
Với người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh), lễ hội trỉa lúa đã trở thành một phần máu thịt, làm nên linh hồn của vùng đất nằm dưới chân đỉnh núi Chồng. Cũng như họ, đồng bào Bru-Vân Kiều tại các bản làng dọc dãy Trường Sơn đều trân trọng và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như một di sản quý báu mà cha ông để lại. Nhận thấy những nét tương đồng trong văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn, Kim Thủy và Trọng Hóa, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã triển khai mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch nhằm phát triển cộng đồng DTTS, đặc biệt là đồng bào Bru-Vân Kiều. Nỗ lực này nhằm bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị của lễ hội trỉa lúa, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng.
Thực hiện kế hoạch, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tổ chức tập huấn cho bà con Bru-Vân Kiều xã Kim Thủy và Trọng Hóa về cách thức bảo tồn di sản gắn với du lịch, truyền dạy kỹ năng xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch. Các khóa tập huấn tại hai địa phương đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, già làng và học viên là những người trẻ. Bà con được thực hành kỹ năng trình diễn các nghi thức của lễ hội đặc sắc này. Họ say sưa hòa vào đoàn người, vai đeo gùi, tay cầm gậy chọc lỗ, đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt-nghi thức làm nên linh hồn của lễ hội.
Hồ Thị Huyền Trang, một trong những học viên trẻ tuổi nhất đến từ bản Cồn Cùng (Kim Thủy). Cô gái trẻ lớn lên giữa những làn điệu dân ca của đồng bào Bru-Vân Kiều cho biết, việc thấu hiểu sâu sắc hơn những giá trị truyền thống là niềm tự hào lớn đối với cô. Điều này càng có ý nghĩa khi Trang đang theo học ngành du lịch-cơ hội để cô góp sức quảng bá và bảo tồn văn hóa của quê hương.
Theo bà Trang Thị Hồng Thúy, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, mô hình di sản kết nối hướng đến việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS và tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch. Việc lồng ghép di sản vào các hành trình du lịch giúp quảng bá sâu rộng văn hóa Bru-Vân Kiều, đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào chuỗi liên kết du lịch, tạo ra các sản phẩm hấp dẫn. Mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững và nhân rộng mô hình này sang các vùng DTTS và miền núi khác.
Tôn trọng bản sắc
Trong buổi biểu diễn tổng kết khóa tập huấn, có lẽ già làng Hồ Thanh Minh ở bản Chuôn (Kim Thủy) là người vui mừng hơn cả. Ông kể, người Bru-Vân Kiều ở Kim Thủy xưa cũng có những lễ hội tương tự như lễ hội trỉa lúa nhưng đã rất lâu rồi không được tổ chức lại. Hôm nay, khi được tham gia vào hoạt động này, ông như sống lại những ký ức đẹp đẽ của những mùa lễ hội rộn ràng. Thấy thế hệ trẻ hăng say học hỏi và tham gia, ông tin rằng những giá trị truyền thống của đồng bào sẽ được giữ gìn và trường tồn. Bởi niềm vui của người già đôi khi không chỉ là việc được tái hiện quá khứ mà còn là hy vọng cho tương lai, khi thế hệ trẻ bắt đầu quan tâm và gìn giữ di sản văn hóa của cha ông.
Không giống như ở xã Kim Thủy, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Trọng Hóa vẫn có nhiều có sự khác biệt so xã Trường Sơn. Khi tái hiện, lan tỏa lễ hội trỉa lúa cho bà con đòi hỏi cán bộ làm công tác chuyên môn phải có một số điều chỉnh nhỏ để phù hợp với tập quán và điều kiện sinh sống riêng của cộng đồng nơi đây, bảo đảm giữ nguyên tinh thần và giá trị của lễ hội nhưng cũng có sự linh hoạt để phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại.
Một trong những nguyên tắc cốt lõi của mô hình xây dựng di sản kết nối là luôn tôn trọng bản sắc riêng biệt của từng vùng quê, không áp đặt hay gò ép vào một khuôn mẫu chung, tôn vinh sự khác biệt, giữ gìn tính đa dạng trong văn hóa. Nói như Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trang Thị Hồng Thúy thì dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải trân trọng bản sắc văn hóa của bà con. Mỗi lễ hội, mỗi phong tục đều được bảo tồn một cách tự nhiên, chân thực, không chạy theo hình thức hay áp đặt từ bên ngoài. Chính điều này sẽ giúp cho cộng đồng cảm thấy gắn bó và tự hào hơn về bản sắc văn hóa của mình, đồng thời tạo ra sự khác biệt hấp dẫn đối với du khách khi đưa lễ hội vào khai thác du lịch.
Trân trọng và mong mỏi di sản được phát huy giá trị mà suốt thời gian triển khai mô hình, các cán bộ của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã không quản ngại khó khăn, vất vả, từ việc kiên trì vận động, tuyên truyền để bà con hiểu rõ ý nghĩa của mô hình, đến việc vượt qua những trở ngại về đường sá xa xôi. Họ thấu hiểu rằng, những nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm và lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo. Chính những giá trị di sản này sẽ tạo điều kiện phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương, mang lại cơ hội cải thiện đời sống thông qua du lịch văn hóa.