Gần 600 loại sữa giả bán tràn lan: Ai chịu trách nhiệm?

Chiều 6-5, thảo luận tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ lo ngại về những bất cập trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa, đặc biệt là sau vụ việc gần 600 loại sữa giả được bán công khai trên thị trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên họp tổ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên họp tổ

Là người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ông Nguyễn Như So – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DABACO Việt Nam – cho rằng vụ việc sữa giả không chỉ là hiện tượng cá biệt mà phản ánh rõ “những lỗ hổng mang tính hệ thống” trong thiết kế chính sách và tổ chức thực thi pháp luật hiện hành.

“Vụ việc gần 600 loại sữa bột giả lưu hành công khai trong suốt 4 năm qua đã bộc lộ sự buông lỏng trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời cho thấy sự thiếu hiệu quả trong cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước”, đại biểu nói và nhấn mạnh, việc quy trách nhiệm trong vụ việc này đang rất mơ hồ, bởi “tất cả đều liên quan nhưng không ai là đầu mối chịu trách nhiệm cuối cùng”.

Theo ông, tình trạng phân tán, chồng chéo trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương và chính quyền địa phương đã khiến không có cơ quan nào thực sự đứng ra chịu trách nhiệm toàn diện. Điều này dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, đồng thời gây khó khăn trong xử lý triệt để các vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần thiết lập rõ vai trò chủ trì, quy định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa; đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành một cách hiệu quả, tránh bỏ trống quản lý hoặc chồng chéo chức năng.

“Cơ chế hậu kiểm là định hướng đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ trương cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nếu thiếu năng lực, thiếu liên thông và thiếu chế tài đủ mạnh, hậu kiểm sẽ trở thành kẽ hở để lợi dụng và né tránh trách nhiệm”, ông phân tích.

Từ thực tiễn này, đại biểu đề xuất dự thảo luật cần giải quyết tận gốc bất cập bằng cách thiết lập mô hình quản lý rõ ràng, với trách nhiệm cụ thể, chế tài nghiêm minh và quy định phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng.

Trước đó, ngày 15-4, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai. Theo điều tra, đường dây này đã sản xuất và tiêu thụ 573 loại sữa bột giả trong suốt 4 năm, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gan-600-loai-sua-gia-ban-tran-lan-ai-chiu-trach-nhiem-post793988.html
Zalo