Gần 30.000 hồ sơ cấp đăng ký công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhưng khi hậu kiểm, thực tế chỉ kinh doanh rất ít
Theo thống kê từ năm 2021- 2024, hồ sơ cấp đăng ký bản công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế là 29.779 sản phẩm của 25.470 tổ chức thương mại và 201 cơ sở sản xuất trong nước.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật an toàn thực phẩm.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung, sửa đổi ngay từ đối tượng áp dụng so với Nghị định 15. Theo đó Bộ Y tế đề xuất Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức, cá nhân viện trợ, tiếp nhận viện trợ thực phẩm nhằm mục đích từ thiện và không dùng cho mục đích kinh doanh; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân).
Lý giải lý do bổ sung "tổ chức, cá nhân viện trợ nhằm mục đích từ thiện, không dùng mục đích kinh doanh" vào dự thảo Nghị định mới, Bộ Y tế cho biết trong thực tiễn quản lý, có rất nhiều đia phương, tổ chức, cá nhân hỏi về vấn đề viện trợ, tuy nhiên Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể.
![Theo thống kê từ năm 2021- 2024, hồ sơ cấp đăng ký bản công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế là 29.779 sản phẩm của 25.470 tổ chức thương mại và 201 cơ sở sản xuất trong nước.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_94_51509131/fa5b52117c5f9501cc4e.jpg)
Theo thống kê từ năm 2021- 2024, hồ sơ cấp đăng ký bản công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế là 29.779 sản phẩm của 25.470 tổ chức thương mại và 201 cơ sở sản xuất trong nước.
Tại dự thảo Nghị định mới này, Bộ Y tế đề xuất bổ sung khái niệm thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác, được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày.
"Thực phẩm bổ sung chỉ được công bố thành phần bổ sung. Không được ghi, công bố khuyến cáo sức khỏe hoặc công dụng của thành phẩn bổ sung"- dự thảo nêu rõ.
Theo Bộ Y tế, cơ sở thực tiễn của đề xuất này là hiện nay Nghị định số 15/2018/NĐ-CP chưa quy định và làm rõ các khái niệm trên, dẫn đến doanh nghiệp khó phân loại sản phẩm hoặc phân loại không đúng bản chất của sản phẩm công bố như tình trạng phóng đại sữa phát triển chiều cao, sữa điều trị xương khớp, sữa giúp ngủ ngon…
Cùng đó sửa đổi bổ sung khái niệm về thực phẩm bổ sung (quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế quy định về quản lý thưc phẩm chức năng) để kiểm soát tính năng, công dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung.
Dự thảo cũng đề xuất tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là chủ sở hữu hoặc cơ sở sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu hoặc cơ sở sản xuất ủy quyền đứng tên trên hồ sơ công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm đó trên thị trường. Trước đây tại Nghị định 15 không đề cập đến nội dung này.
Về kiểm soát tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm, Bộ Y tế lý giải: Quy định chỉ tổ chức, cá nhân là cơ sở sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được ủy quyền của cơ sở sản xuất (có giấy ủy quyền) được phép đứng tên trong trong hồ sơ. Quy định này phù hợp thông lệ quản lý đối với lĩnh vực đăng ký thuốc và công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Bộ Y tế thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 4, Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân đứng ra công bố và đa phần là các công ty thương mại kinh doanh thực phẩm chức năng không có tài liệu chứng minh mối liên quan với cơ sở sản xuất. Vì vậy, không quy rõ trách nhiệm của cơ sở sản xuất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ công bố thậm chí trong thời gian qua phát hiện hồ sơ tổ chức, cá nhân đứng ra công bố sản phẩm giả mạo hồ sơ của cơ sở sản xuất hoặc không trung thực hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm chức năng.
Theo thống kê từ năm 2021- 2024, hồ sơ cấp đăng ký bản công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Cục An toàn thực phẩm là 29.779 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của 25.470 tổ chức thương mại và 201 cơ sở sản xuất trong nước. Tuy nhiên khi cơ quan quản lý hậu kiểm, doanh nghiệp thực tế chỉ kinh doanh rất ít sản phẩm gây khó khăn trong công tác quản lý.