Gần 2 năm sau trận lũ quét, người dân vẫn 'mắc kẹt' bên suối - Bài cuối: Dự án 'khẩn cấp' chưa hẹn ngày về đích

Nhà nước đã hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng khu tái định cư cho hàng trăm hộ dân sau trận lũ quét lịch sử vào tháng 10/2022 tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Thế nhưng, đã gần 2 năm trôi qua, khu tái định cư vẫn dở dang, lãnh đạo địa phương cũng không thể trả lời chính xác thời điểm nào người dân vùng lũ mới về được khu tái định cư.

 Khu tái định cư cho các hộ dân mất nhà ở xã Tà Cạ vẫn ngổn ngang, dang dở và chưa hẹn ngày về đích

Khu tái định cư cho các hộ dân mất nhà ở xã Tà Cạ vẫn ngổn ngang, dang dở và chưa hẹn ngày về đích

Dự án vướng đất rừng tự nhiên

Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, trận lũ ống, lũ quét xảy ra vào sáng sớm ngày 2/10/2022 đã gây thiệt hại nặng nề đối với người dân huyện miền núi nghèo này với tổng thiệt hại hơn 215 tỷ đồng. Cụ thể, lũ quét đã làm 1 người chết, 621 ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng, trong đó 55 nhà ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén bị sập hoàn toàn; 49 nhà ở Tà Cạ và Nậm Cắn bị thiệt hại nặng; số còn lại là thiệt hại từ 50% trở xuống. Tổng thiệt hại 80 tỷ đồng.

Ngoài ra, riêng ngành giáo dục chịu thiệt hại 5 tỷ đồng, gồm 3 điểm trường bị ảnh hưởng, thiệt hại rất nặng trên địa bàn xã Tà Cạ và nhà bán trú Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn bị thiệt hại 30%.Về nông nghiệp, 10 ha diện tích lúa rẫy của người dân xã Keng Đu, Na Ngoi, Tây Sơn… và 42 ha diện tích lúa ruộng của Na Loi, Nậm Cắn, Phà Đánh, Tà Cạ bị thiệt hại hoàn toàn. 27,5 ha lúa ruộng của xã Nậm Cắn bị thiệt hại rất nặng, ước thiệt hại 3,5 tỷ đồng.

Các tuyến giao thông Quốc lộ 7 đoạn qua thị trấn Mường Xén, xã Tà Cạ và tuyến tỉnh lộ 543D; tuyến đường huyện từ Mường Xén - Tây Sơn; tuyến Khe Nằn Chiêu Lưu - Na Ngoi; tuyến Huồi Tụ - Na Loi - Keng Đu; tuyến Xiêng Thù - Bảo Thắng... và các tuyến đường liên bản, nội bản trên địa bàn xã Nậm Cắn, Tà Cạ bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, ước thiệt hại 100 tỷ đồng.

Lũ quét còn gây hư hỏng hoàn toàn 7 công trình nước sinh hoạt của bản Cánh, Bình Sơn 1, bản Cầu Tám, Sơn Hà, Hòa Sơn, Sơn Thành của xã Tà Cạ; bản Noọng Dẻ của xã Nậm Cắn, ước thiệt hại 6 tỷ đồng. Tài sản của dân cũng tổn thất nặng nề, khi lũ cuốn trôi nhiều ô tô, hàng trăm xe máy, xe đạp bị vùi lấp; hàng trăm chiếc tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính, máy lọc nước, bếp gas, hồ sơ cá nhân của cán bộ, công nhân viên chức trong các cơ quan, đơn vị và nhiều cơ sở vật chất khác bị cuốn trôi, ước tính thiệt hại trên 12 tỷ đồng…

Nhiều hộ dân ở xã Hòa Sơn dù nằm trong diện di dời nhưng hiện vẫn phải sống bên dòng suối Huồi Giảng

Nhiều hộ dân ở xã Hòa Sơn dù nằm trong diện di dời nhưng hiện vẫn phải sống bên dòng suối Huồi Giảng

Ngay sau khi xảy ra lũ ống, lũ quét, huyện Kỳ Sơn đã tập trung mọi phương tiện, nhân lực, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng Bộ đội, Công an… khắc phục bước đầu những thiệt hại để người dân sớm ổn định cuộc sống. Chính quyền và nhân dân bị mất mát do lũ cũng nhận được sự quan tâm, sẻ chia rất lớn của các tổ chức, cá nhân trong cả nước về vật chất để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Cũng ngay sau đó, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn và tỉnh Nghệ An đã tìm địa điểm xây dựng khu tái định cư (TĐC) khẩn cấp cho người dân. Cụ thể, các điểm TĐC cho bà con được xác định tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ và một điểm phía sau Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên của huyện. Thế nhưng, đến thời điểm này một khu TĐC vẫn chưa thể triển khai xây dựng vì vướng thủ tục, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên. Điểm TĐC còn lại cũng đang dang dở.

"Phụ thuộc vào cấp trên"

Những ngày cuối tháng 6/2024, về xã Tà Cạ, chúng tôi đã chứng kiến cuộc sống rất khổ cực của nhiều hộ dân sau trận lũ ống, lũ quét. Gia đình bà Lô Thị Xay (48 tuổi, bản Hòa Sơn) là một trong số đó. Bà Xay cho biết, trận lũ vào tháng 10/2022 khiến toàn bộ nhà cửa trôi sạch, tài sản trong nhà chỉ còn sót lại duy nhất chiếc tủ gỗ.

"Hôm đó lũ về quá bất ngờ nên cả nhà hô hoán nhau chạy thoát thân, không mang theo được bất cứ tài sản nào nên lũ đã cuốn trôi hết. Lũ qua, gia đình chúng tôi được bộ đội dựng cho ngôi nhà tạm để ở. Cứ ngỡ chỉ ở một thời gian ngắn rồi sẽ được đến khu TĐC, vậy mà đã gần 2 năm rồi, giấc mơ an cư của gia đình chúng tôi vẫn chưa thành hiện thực", bà Xay buồn bã chia sẻ.

Nhà bà Xay hiện có 6 người, trong căn nhà nhỏ, bà Xay phải dùng những tấm vải để ngăn ra từng buồng khác nhau. Trong căn buồng rộng chừng 5m2 chỉ đủ để đặt chiếc giường, chị Khạ Thì Khền (con dâu bà Xay) bụng mang dạ chửa đang xếp lại đồ đạc để sắp đón đứa con chào đời. "Nhà em nghèo nên không có điều kiện đi thuê nhà để ở. Em sắp sinh con vẫn phải ở đây, chỉ thương con nhỏ vừa chào đời đã phải sống trong cảnh thiếu thốn thế này", chị Khền nói.

Gia đình bà Xay mất nhà và hiện đang sống khổ sở trong căn nhà tạm

Gia đình bà Xay mất nhà và hiện đang sống khổ sở trong căn nhà tạm

Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, nói rằng, ông cũng rất chia sẻ với những mất mát của người dân vùng lũ và thấu hiểu được cuộc sống vất vả hiện tại của họ, đặc biệt những hộ dân mất nhà cửa. Các hộ dân mất nhà, người đang ở nhà người thân, người dựng nhà tạm bên suối để ở, số khác phải đi thuê nhà.

Cũng theo ông Rê, huyện Kỳ Sơn với đặc thù là có trên 90% địa hình là núi, địa hình phức tạp và chia cắt, rất khó bố trí địa điểm có mặt bằng rộng làm nơi ở cho người dân. Sau nhiều nỗ lực, huyện đã tìm được 2 điểm TĐC cho bà con tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, diện tích 8,6 ha và và một điểm phía sau Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện với diện tích 3,9 ha.

"Hiện tại khu TĐC 3,9 ha không vướng gì đang thi công rất tích cực, chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho các hộ dân. Dự kiến nếu thuận lợi, người dân sẽ nhận được mặt bằng trước mùa lũ năm nay. Tuy nhiên, với khu còn lại, do đang vướng về thủ tục rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy nên phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi đất, đến nay chưa thực hiện được. Chúng tôi đã làm xong các văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An. Bây giờ quyết định thuộc cấp tỉnh, cấp Trung ương. Thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào cấp trên", ông Rê cho biết.

Được biết, khu TĐC sau Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên được gọi là công trình "Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho người dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn" ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, do UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư. Công trình có quy mô 3,9 ha, cho 54 hộ TĐC vùng lũ quét, mỗi lô đất có diện tích từ 210-230 m2. Có 3 tuyến đường giao thông nội bộ khu tái định cư. Tổng mức đầu tư dự án này là 31,5 tỷ đồng, trong đó nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng, ngân sách huyện Kỳ Sơn là 1,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn từng đặt mục tiêu trước Tết Dương lịch 2024 sẽ có mặt bằng để bố trí ưu tiên cho những hộ bị sập và trôi nhà đến ở trước. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 6/2024, khi PV có mặt tại khu TĐC này, tất cả vẫn là công trường ngổn ngang đất đá. Nhiều máy móc vẫn đang thi công, từng tốp công nhân đang thực hiện lắp đặt hệ thống mương thoát nước. Nhìn các hạng mục đều đang dở dang, với khối lượng công việc còn rất lớn nên gần như chắc chắn mục tiêu bàn giao mặt bằng cho người dân trước mùa mưa bão năm nay như lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kỳ vọng sẽ khó thành hiện thực.

Trong khi đó, khu TĐC tại bản Cầu Tám, xã Cà Tạ, có diện tích 8,6 ha với nguồn vốn để triển khai là 65 tỷ đồng hiện vẫn chưa biết bao giờ mới được triển khai. Dự án "khẩn cấp" đã kéo dài gần 2 năm khiến nhiều hộ dân mệt mỏi, hoang mang. Mùa mưa bão đang đến rất gần, thêm một lần nữa, hàng trăm hộ dân ở xã Tà Cạ lại phải sống trong thấp thỏm, lo sợ.

Việt Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gan-2-nam-sau-tran-lu-quet-nguoi-dan-van-mac-ket-ben-suoi-bai-cuoi-du-an-khan-cap-chua-hen-ngay-ve-dich-20240714164642192.htm
Zalo