Gần 150 tấn dầu ăn giả được bán ra thị trường: Làm thế nào phân biệt?

Việc sử dụng dầu ăn bẩn, kém chất lượng có thể gây ngộ độc cho cơ thể, gây ra các biến chứng và bệnh tật về máu, ung thư...

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc liên quan đến thuốc, thực phẩm giả bị phát hiện trên phạm vi cả nước, gây lo ngại lớn trong dư luận. Từ sữa bột đến thuốc tân dược, thực phẩm chức năng,… đều bị phát hiện có mặt trong các đường dây sản xuất hàng giả.

Đáng chú ý, mới đây nhất, tại tỉnh Phú Thọ, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính (bột ngọt), 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm và 144 tấn dầu ăn giả.

Điều này càng khiến người tiêu dùng thêm hoang mang bởi hàng giả đã “đổ bộ” lên mâm cơm hàng ngày của mỗi gia đình. Đặc biệt là khi bột canh, hạt nêm hay dầu ăn là những gia vị không thể thiếu trong quá trình nấu nướng.

Ảnh minh họa/Nguồn: Istock

Ảnh minh họa/Nguồn: Istock

Trong đó, dầu là nguồn chất béo quan trọng trong nhóm dinh dưỡng chính, cung cấp năng lượng thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Thiếu dầu trong khẩu phần có thể khiến trẻ chậm phát triển, biếng ăn, còi xương hoặc dễ mắc bệnh.

Tuy nhiên, nếu không may sử dụng phải dầu ăn hư hỏng, kém chất lượng có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, thậm chí đẩy nhanh quá trình lão hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não. Vậy phải làm gì để phân biệt dầu ăn thật và giả?

Dựa vào bao bì sản phẩm

Thực tế, việc phân biệt dầu thật, giả bằng mắt thường hay dựa vào bao bì là rất khó do công nghệ làm giả ngày càng tinh vi. Thông tin về các chất độc hại hoặc hình thức gian lận trong dầu ăn vẫn chưa được làm rõ. Do đó, người tiêu dùng không nên chỉ phụ thuộc vào thương hiệu cũng như thông tin sản phẩm được in ngoài bao bì mà cần quan sát cả chất lượng dầu ăn bên trong.

Quan sát màu sắc dầu ăn

Mỗi loại dầu ăn thường có màu sắc đặc trưng như: dầu hạt cải thì trong màu vàng có thoáng chút màu xanh lục, dầu hạt lạc thì sẽ thấy thoáng có chút sắc cam hoặc vàng cam, dầu bông thì màu vàng nhạt hơn...

Tuy nhiên, nhìn chung dầu ăn chất lượng tốt thường có màu vàng sậm, dầu chất lượng trung bình thì màu vàng nhạt hơn. Tất cả đều trong và tươi sáng khi nhìn bằng mắt thường.

Trong khi đó, dầu kém chất lượng, màu sắc thường ngả màu sậm (vàng nâu hay hơi đen), không sáng mà hơi xỉn màu.

Dầu ăn có lắng cặn

Dầu ăn thật có độ trong suốt cao, không có dấu hiệu đông đặc. Khi lắc can dầu, cảm giác dầu trảy trơn tru và dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, dầu ăn giả có chứa nhiều tạp chất, các chất hóa học khác nhau nên ở dưới đáy chai hay bị lắng cặn, đông đặc, càng xuống dưới càng đặc. Nếu lắc nhẹ sẽ thấy dầu chảy sệt sệt chứ không trơn tru.

Trạng thái của dầu ăn

Dầu ăn tốt thường không hoặc rất ít bị động đặc (nếu có chỉ một chút lớp dầu bề mặt), còn dầu kém chất lượng thường bị đông sệt (có thể nguyên cả chai hay can dầu) khi gặp thời tiết lạnh.

Ngoài ra, nếu dầu ăn bị pha nước nhiều sẽ xuất hiện phân lớp trong quá trình bảo quản. Đặc biệt với những loại dầu đậm đặc như dầu vừng, đôi khi bị pha nước còn khiến dầu bị phân giải, biến chất, oxy hóa, hư hỏng.

Ảnh minh họa/Nguồn: Pexels

Ảnh minh họa/Nguồn: Pexels

Đánh giá qua mùi

Để kiểm tra bằng cách này, bạn cần làm sạch tay nhưng tránh rửa tay bằng xà phòng thơm vì sẽ không đánh giá chính xác được.

Nhỏ vài giọt dầu ăn vào lòng bàn tay trái, dùng tay phải miết cho dầu loang rộng ra hết lòng bàn tay rồi ngửi thử.

Dầu ăn chất lượng tốt có mùi đặc trưng rõ rệt của từng loại dầu (dầu lạc, vừng, đậu tương, ô liu...), không có mùi khét, hôi hay mùi khó chịu nào khác. Nếu thấy dầu có mùi bất thường, mùi ôi hay khét... thì nên chắc đó là dầu kém chất lượng.

Dầu ăn có vị lạ

Dầu ăn thật có độ béo ngấy, thơm đặc trưng. Nếu là loại dầu ăn chiết xuất đặc biệt như dầu hạt lạc, dầu hạt cải,… sẽ thấy mùi vị riêng của từng loại. Khi nếm không có vị chua hay đắng chát.

Dầu ăn giả không có vị béo ngậy và thơm như dầu ăn thật. Khi nếm thử có thể thấy các mùi vị lạ do dầu được pha tạp chất hoặc hóa chất.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/gan-150-tan-dau-an-gia-duoc-ban-ra-thi-truong-lam-the-nao-phan-biet-d205814.html
Zalo