Gam màu 'sáng, tối' trong bức tranh chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh
Kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 cho thấy những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những mảng 'màu tối' mà các địa phương cần tiếp tục cải thiện để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Nhiều địa phương nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành kinh tế. Ảnh minh họa: S.T
Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh cải thiện tích cực
Chia sẻ tại Lễ công bố PCI năm 2024, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, năm 2024, Báo cáo PCI cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ 8 liên tiếp vượt mốc 60 điểm - ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, Chỉ số PCI gốc - chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi - đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng DN.
Điểm sáng nữa được đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện Báo cáo PCI - ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, đó là minh bạch thông tin được nâng cao rõ rệt. DN đánh giá điểm tiếp cận tài liệu quy hoạch và pháp lý năm 2024 lần lượt đạt 3,11 và 3,23 điểm - mức cao nhất kể từ năm 2006. Tỷ lệ DN cho rằng “cần có mối quan hệ” để tiếp cận tài liệu của tỉnh chỉ còn 31%, giảm gần một nửa so với mức 61% năm 2021, thấp nhất từ trước đến nay.
“Việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn cũng góp phần tăng tính dự báo về việc tỉnh thực thi quy định Trung ương và thay đổi pháp luật địa phương, với các chỉ số này đạt 40% và 39%, cao nhất trong 4 năm gần đây” - ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, thủ tục gia nhập thị trường cũng thuận lợi hơn. Thể hiện là, thời gian thực hiện đăng ký kinh doanh và điều chỉnh thông tin DN trung bình chỉ khoảng 7 ngày và 6 ngày. Đồng thời, đa số DN tiếp tục đánh giá cao chất lượng thủ tục đăng ký DN, với 93% cho rằng thủ tục minh bạch, 91% nhận được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, 86% hài lòng về chuyên môn và thái độ của cán bộ tiếp nhận.
Nhóm thủ tục về cấp phép kinh doanh có điều kiện cũng có sự cải thiện trong khảo sát năm 2024 so với năm 2023. Tuy nhiên, trong khảo sát 2024 vẫn có chưa tới 50% DN hài lòng với các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện.
“Điều này cho thấy đây chính là nhóm thủ tục còn nhiều dư địa để thúc đẩy tạo thuận lợi cho các DN gia nhập thị trường trong thời gian tới” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Trao Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận cho TOP 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất, tại Lễ công bố PCI 2024. Ảnh: D.T
Vẫn còn những mảng “màu tối” cần cải thiện…
Bên cạnh những điểm sáng, nhóm nghiên cứu thực hiện Báo cáo PCI cho rằng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương vẫn còn những mảng “màu tối” cần được tiếp tục cải thiện.
Cụ thể, tính năng động của chính quyền địa phương có dấu hiệu suy giảm. Năm 2024, có 77% DN cho biết chính quyền tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, giảm từ con số 86% của năm 2021-2022 và 82% của năm 2023. Tương tự, chỉ 71% DN cho biết ủy ban nhân dân tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh, giảm từ con số 80% của năm 2022 và 77% của năm 2023.
Một điểm đáng chú ý khác, năm 2024, có tới 26% DN nhận thấy “Phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản Trung ương là “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì”, trong khi năm 2021 tỷ lệ này chỉ là 19%.
Cùng với đó, chất lượng xử lý thủ tục hành chính cũng có dấu hiệu chững lại. Gần 24% DN cho biết phải dành trên 10% thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật, tăng so với con số 20% của năm 2022-2023. Tỷ lệ DN cho rằng thời gian thực hiện thủ tục hành chính ngắn hơn quy định đạt 83% (giảm nhẹ so với 86% của năm trước). Khoảng 79% DN không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục (giảm nhẹ so với 82 - 83% năm 2022-2023).
Về thanh tra, 22% DN phản ánh sự trùng lặp nội dung kiểm tra, tăng mạnh so với 8,5% của năm trước. Dù vậy, kết quả khảo sát cho thấy vẫn có điểm sáng, đó là tỷ lệ DN bị thanh tra/kiểm tra trên 3 lần/năm giảm còn 5%, thấp nhất từ trước đến nay.
Một vấn đề quan ngại nữa đó là khó khăn tiếp cận đất đai của DN gia tăng, khi tỷ lệ DN không gặp khó khăn khi tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng giảm mạnh xuống còn 33% năm 2024 (so với 55% năm 2021, 48% năm 2022 và 41% năm 2023). Chỉ 51% DN hoàn tất thủ tục đất đai trong 2 năm qua không gặp vướng mắc (giảm so với 59% năm 2023).
Đặc biệt, chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại. Năm 2024, gần 37% DN trả chi phí không chính thức, tăng nhẹ so với 33% năm 2023. Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra lên đến 28% (so với 16% của năm trước). Tỷ lệ này khi thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện lên gần 55% (cao hơn nhiều so với 2023); về thủ tục đất đai là khoảng 50% (so với gần 38% năm 2023). Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức trong đấu thầu công ở địa phương cũng nhích từ 27,6% năm 2023 lên 28,6% năm 2024.
Trên cơ sở những tồn tại trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, để đáp ứng kỳ vọng của DN và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách.
“Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới với những mục tiêu đầy tham vọng - mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo - việc duy trì và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh là nhiệm vụ cấp bách và mang tính quyết định. Cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là điều kiện cần mà còn là động lực cốt lõi để Việt Nam đạt được khát vọng hùng cường, sánh vai cùng các nền kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới” – ông Đậu Anh Tuấn nói.
Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, năm 2024, Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng PCI. Để đạt được thành tích này, thời gian qua, Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch cải cách hành chính cụ thể, thực hiện nghiêm việc phân công, giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cá nhân theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”.
Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố thường xuyên tổ chức đối thoại với cộng đồng DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài, để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, đồng thời tích cực hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi số.
Đặc biệt, trong năm 2024, Hải Phòng đã hoàn thành 100% việc giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa; công khai đầy đủ danh mục thủ tục hành chính trên hệ thống trực tuyến; miễn, giảm nhiều khoản phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến; triển khai mạng chuyên dụng, bảo đảm kết nối 100% xã, phường với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính..., góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng chính quyền số hiện đại, minh bạch và hiệu quả./.