Fideco có gì hấp dẫn VietinBank Capital
VietinBank Capital vừa mua vào 2,150 triệu cổ phiếu FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (Fideco) nâng số lượng cổ phần lên 7 triệu cổ phiếu, tương đương 18,12% cổ phần FDC.
Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Capital) vừa mua vào 2,150 triệu cổ phiếu FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (Fideco) nâng số lượng cổ phần lên 7 triệu cổ phiếu, tương đương 18,12% cổ phần FDC.
Cổ phiếu FDC giao dịch hàng ngày không đáng kể, do lượng sở hữu cô đặc, nên giao dịch mua của VietinBank Capital là giao dịch thỏa thuận diễn ra vào ngày 20/11. Giá trị giao dịch ghi nhận là 34.4 tỷ đồng, tương đương 16,000 đồng bằng 1,38 lần so với giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu FDC là 11.571 đồng/cổ phần.
VietinBank Capital chính thức trở thành cổ đông lớn, sở hữu trên 5% vốn của Fideco sau khi mua vào 3 triệu cổ phiếu ngày 17/10 cũng theo hình thức giao dịch thỏa thuận.
Cổ phiếu FDC có gì hấp dẫn khiến tổ chức đầu tư gia tăng sở hữu ở mức giá bằng 1,38 lần giá trị sổ sách?
Theo báo cáo tài chính quý 3/2024, FDC có vốn điều lệ 386 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 447 tỷ đồng cùng khoản lỗ lũy kế xấp xỉ 200 tỷ đồng.
Sau khi lỗ nhẹ quý 2, Fideco ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế 2,425 tỷ đồng , doanh thu thuần cung cấp dịch vụ gần 7, 2 tỷ đồng trong quý 3. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần là 16, 4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 1, 23 tỷ đồng. Nếu xét về hiệu quả kinh doanh Fideco không có gì nổi bật.
Là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, giá trị của Fideco được nhìn vào các dự án các khoản đầu tư bất động sản của doanh nghiệp này.
Fideco có khoản góp vốn 280 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác đầu tư ký ngày 29/4/2022 với Công ty cổ phàn Hưng Vượng Bến Lức nhằm phát triển kinh doanh dự án trên khu đất tại xã Thanh Phú huyện Bến Lức, Long An. Ngày 10/04/2023, hai bên ký phụ lục gia hạn thời gian hoàn thành thủ tục pháp lú dự án, quy hoạch, pháp lý về xây dựng chậm nhất đến ngày 30/06/2025 và thời gian thực hiện hợp đồng chậm nhất đến ngày 31/12/2026.
Fideco có các tài sản bất động sản đã đầu tư là Tòa nhà thuộc khu đất tại số 55 MẠc Đĩnh Chi, vị trí tiếp giáp trụ sở Công ty tại số 28 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM và Tòa nhà văn phòng Fideco tại 28 Phùng Khắc Khoan trị giá hơn 160 tỷ đồng, đã khấu hao giá trị còn lại là 159,773 tỷ đồng. Tòa nhà được vận hành cho thuê từ quý 3/2024 giúp công ty có khoản lợi nhuận 1,5 tỷ đồng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ cho thuê bất động sản đầu tư 16,3 tỷ đồng.
Fideco góp vốn dự án khu dân cư Cần Giờ và Khu dân cư Bình Trưng Đông tổng cộng 266 ty đồng nhưng đều đang vướng mắc về pháp lý.
Như vậy, nếu chỉ nhìn vào tài sản có tính thanh khoản của Fideco là tòa nhà 28 Phùng Khắc Khoan thì cũng có thể thấy giá trị cổ phiếu FDC không trông chờ từ khai thác tòa nhà mà ở giá trị trong trường hợp chuyển nhượng.
Trước đây Fideco đã chuyển nhượng Fideco Tower tại Hàm Nghi với giá 170 tỷ đồng cho công ty con Fideco Land sau đó thoái vốn ở công ty con này với định giá hơn 33.000 đồng cổ phần thu về 575 tỷ đồng, tương đương 27 triệu USD tại thời điểm 2014.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2013 của Fideco, việc thoái vốn khỏi Fidecoland đã đẩy lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng vọt, đạt hơn 355,5 tỉ đồng, lãi ròng quý đạt hơn 226 tỉ đồng.
Đó là lý do vì sao Fideco có tỷ lệ sở hữu cô đặc và cổ phần FDC gần như không có thanh khoản trên sàn HOSE thời gian dài.
Sự tham gia, gia tăng tỷ lệ sở hữu của VietinBank Capital vào FDC, một cổ phiếu mất thanh khoản, trong khi thanh khoản là tiêu chí quan trọng để quyết định đầu tư của một tổ chức/quỹ đầu tư, có thể là chỉ báo Fideco sắp có lợi nhuận đột biến từ chuyện nhượng dự án, tương tự trong quá khứ, hoặc một dự án đang vướng mắc pháp lý được tháo gỡ để đủ điều kiện triển khai. Tuy nhiên, giới đầu tư tài chính phỏng đoán, đây cũng có thể chỉ là một vụ cầm cố cổ phiếu dưới hình thức đầu tư bởi giao dịch chủ yếu là giao dịch thỏa thuận.