Fed và các ngân hàng trung ương lớn sẽ cắt lãi suất sau bầu cử Mỹ

Fed và 20 ngân hàng trung ương lớn dự kiến hạ lãi suất sau bầu cử Mỹ để giảm lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và ứng phó với các rủi ro kinh tế toàn cầu, bất chấp kết quả bầu cử.

 Bất chấp kết quả bầu cử Mỹ, Fed vẫn hạ lãi suất để đảm bảo ổn định kinh tế. Ảnh: Bloomberg.

Bất chấp kết quả bầu cử Mỹ, Fed vẫn hạ lãi suất để đảm bảo ổn định kinh tế. Ảnh: Bloomberg.

Bất chấp cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris còn chưa "ngã ngũ", Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến tiếp tục hạ lãi suất trong tuần tới ngay sau sự kiện nhằm điều chỉnh chính sách kinh tế toàn cầu, theo Bloomberg.

Theo đó, Fed dự định duy trì giảm lãi suất với tốc độ chậm, kỳ vọng cắt 0,25 điểm % vào ngày 7/11 và thêm một đợt nữa vào tháng 12, sau báo cáo tốc độ tăng trưởng việc làm tại Mỹ tháng gần nhất cho kết quả thấp nhất từ năm 2020.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng điều kiện kinh tế hiện tại đòi hỏi chính sách bớt thắt chặt hơn, song Fed vẫn sẽ đối mặt với nguy cơ phản ứng chính trị.

Không chỉ Fed, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát kéo dài, đến rủi ro thương mại toàn cầu bị tác động bởi các đe dọa áp thuế từ ông Trump nếu tái đắc cử. Do đó, các quốc gia này đã rục rịch chuẩn bị những đối sách tương tự Fed để bảo vệ nền kinh tế.

Khu vực Á - Âu rục rịch hạ lãi suất

Dữ liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ tuần tới sẽ bao gồm ước tính tăng trưởng năng suất quý III tăng nhờ đầu tư vào công nghệ và AI, cùng với các báo cáo từ ISM và chỉ số tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan.

 Các quốc gia sẽ quyết định lãi suất vào tuần tới. Ảnh: Bloomberg.

Các quốc gia sẽ quyết định lãi suất vào tuần tới. Ảnh: Bloomberg.

Tại Nam Á, Ngân hàng Trung ương Pakistan có khả năng tiếp tục chu kỳ hạ lãi suất mạnh với mức giảm 2 điểm %, xuống còn 15,5%.

Trong khi đó, Australia và Malaysia dự kiến giữ nguyên lãi suất ở mức 4,35% do áp lực lạm phát cao. Hàn Quốc sẽ công bố dữ liệu lạm phát vào ngày 5/11, song xu hướng cho thấy chỉ số tại quốc gia này tiếp tục giảm, tạo điều kiện để Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc duy trì chính sách nới lỏng, tức giữ lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Đài Loan cũng sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới để đánh giá tình hình lạm phát. Trong khi đó, Nhật Bản đang xem xét mức độ ảnh hưởng của biến động thu nhập trước khi quyết định tăng lãi suất hay không vào đầu hoặc cuối năm sau.

Ngày 9/11, Trung Quốc sẽ cập nhật tình hình giá cả, tập trung vào mức lạm phát tiêu dùng và đà giảm của giá sản xuất trong 2 tháng qua.

Còn tại châu Âu, quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vào ngày 31/10 thu hút sự chú ý, sau khi chính phủ tăng chi tiêu và vay vốn, đẩy lãi suất quốc gia lên cao nhất trong năm. Tuy nhiên, BoE vẫn được dự đoán giảm lãi suất thêm 0,25 điểm %, theo 49 chuyên gia kinh tế Bloomberg.

Trong khi đó, Canada sẽ công bố khảo sát lao động tháng 10, sau báo cáo khả quan hồi tháng 9 với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5%. Dù vậy, Ngân hàng Trung ương Canada vẫn cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất do lạm phát và tăng trưởng kinh tế yếu.

Tại Thụy Điển, các chuyên gia dự đoán Riksbank sẽ giảm lãi suất 0,5 điểm %, xuống còn 2,75% do nền kinh tế vẫn chưa hồi phục và sản lượng hàng hóa giảm trong quý III. Hiện, lạm phát nước này đã giảm xuống dưới 2%, buộc Riksbank tăng tốc kích thích tăng trưởng nếu nhu cầu nội địa không cải thiện.

Tại khu vực đồng euro, Bloomberg dự đoán các báo cáo và chính sách của Pháp, Đức và Italy sẽ là tâm điểm trong thời gian tới, song vẫn chưa có phản hồi chính thức nào.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm lạm phát xuống còn 48% trong tháng 10, cho thấy tín hiệu tích cực khi nước này đặt mục tiêu hạ lạm phát xuống 38-42% vào cuối năm, mở đường cho việc cắt giảm lãi suất từ mức hiện tại là 50%.

Châu Phi và Mỹ Latin cố gắng cầm cự

Cuối tuần, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva dự kiến thăm Cairo (Ai Cập) để thảo luận về gói vay trị giá 8 tỷ USD. Tuy nhiên, Ai Cập bày tỏ mong muốn điều chỉnh mục tiêu và thời gian của thỏa thuận do tình hình tranh chấp địa chính trị đầy biến động.

Một số diễn biến đáng chú ý khác tại châu Phi bao gồm việc Madagascar dự kiến tăng lãi suất chủ chốt lần thứ 2 liên tiếp vào ngày 5/11 để kiềm chế lạm phát lên 2 chữ số.

Tại Botswana, với mức lạm phát giảm thấp nhất trong hơn 1 năm, chính phủ dự kiến mạnh tay giảm lãi suất, đánh dấu quyết định quan trọng đầu tiên sau cuộc bầu cử chấm dứt 58 năm cầm quyền của Đảng Dân chủ Botswana ở quốc gia sản xuất kim cương này.

 Biến động lãi suất cơ bản của Brazil trong 6 năm qua và dự báo đà tăng trong những tháng tới. Ảnh: Bloomberg.

Biến động lãi suất cơ bản của Brazil trong 6 năm qua và dự báo đà tăng trong những tháng tới. Ảnh: Bloomberg.

Ngược với xu hướng toàn cầu, Brazil đang đối mặt với lạm phát gia tăng, khiến ngân hàng trung ương nước này có khả năng nâng lãi suất lên 11,25% vào ngày 6/11 và có thể thêm 1 đợt tăng nữa vào tháng 12.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Peru dự kiến cắt giảm lãi suất 0,25 điểm %, xuống còn 5%, dù vẫn có khả năng xuất hiện những thay đổi bất ngờ khác trong chính sách.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Colombia cũng sẽ công bố báo cáo lạm phát quý và biên bản cuộc họp tháng 10. Các nhà phân tích kỳ vọng ngân hàng này sẽ cắt giảm thêm 3,5 điểm % từ mức hiện tại là 9,75% vào cuối năm 2025.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/fed-va-cac-ngan-hang-trung-uong-lon-se-cat-lai-suat-sau-bau-cu-my-post1508543.html
Zalo