FDI Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng năm 2025?
Tháng 1/2025, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam gần 600 triệu USD vốn FDI, đứng thứ 3 trong tổng số 55 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
FDI Nhật Bản tăng mạnh trong tháng 1/2025
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 1/2025, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, vốn đăng ký tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024.
![Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong năm 2025. Ảnh mnh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_35_51450356/3c2eeaafdfe136bf6ff0.jpg)
Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong năm 2025. Ảnh mnh họa
Trong đó các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 599,09 triệu USD, đây là tổng vốn đầu tư của 21 dự án đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký 52,12 triệu USD; 13 dự án đăng ký điều chỉnh vốn, với số vốn tăng thêm là 529,68 triệu USD và 14 giao dịch góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 17,30 triệu USD.
Kết quả đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam trong tháng 1/2025 có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2024 với mức tăng 665% (cùng kỳ năm 2024 các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam 78,32 triệu USD). Đặc biệt, với tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam đạt gần 600 triệu USD trong tháng 1/2025 đã đưa Nhật Bản đứng thứ 3 trong tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2025, sau Hàn Quốc với trên 1,254 tỷ USD và Singapore với 1,244 tỷ USD.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vài Việt Nam 5.512 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 78,28 tỷ USD, Nhật Bản cũng đứng thứ 3 trong tổng số 149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, sau Hàn Quốc với trên 92 tỷ USD và Singapore với trên 84 tỷ USD.
Thống kê cho thấy, FDI của Nhật Bản tại Việt Nam tập trung tại nhiều lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; thương mại – dịch vụ; giáo dục; bất động sản… trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm ưu thế với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn như Honda, Toyota, Canon, Yamaha,… các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam hoạt động hiệu quả và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
![Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_35_51450356/e59f381e0d50e40ebd41.jpg)
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Ảnh minh họa
Cơ hội thu hút FDI Nhật Bản
Theo kết quả “Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024” được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội công bố mới đây, có tới 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có mong muốn mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới, đứng đầu khu vực ASEAN. Được biết, khảo sát này được JETRO thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương. Trong số 5.007 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, có 863 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, nhiều nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á, châu Đại Dương.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2025, so với (kỳ vọng) năm 2024, có 50,4% doanh nghiệp dự báo sẽ “cải thiện”. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan tiếp nối năm 2024. Lý do cải thiện lợi nhuận kinh doanh năm 2024 của ngành chế tạo chủ yếu là do “nhu cầu tại thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa tăng”.
Ông Takeo Nakajima – nguyên Trưởng đại diện JETRO Hà Nội từng đưa ra nhận định: Việt Nam là quốc gia được các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên thứ 2 về mở rộng sản xuất kinh doanh sau Mỹ. Việt Nam là một trong số những điểm đến đầu tư cạnh tranh nhất trong khu vực châu Á hiện nay. Lý do là bởi Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có sự ổn định về chính trị và tiềm năng phát triển.
Cũng theo ông Takeo Nakajima, có 2 yếu tố quan trọng để doanh nghiệp lựa chọn khi quyết định đầu tư, đó là cơ hội kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Với các doanh nghiệp chất lượng cao thì có thêm những lợi thế về cơ sở hạ tầng và ưu tiên, ưu đãi đầu tư. Trong đó cơ hội kinh doanh vẫn được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất.
Đặc biệt, doanh nghiệp FDI Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp FDI nói chung đều có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế, cắt giảm thủ tục hành chính… chỉ cần đáp ứng được các yêu cầu này thì Việt Nam sẽ là điểm đến của doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản.
Mặc dù các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, theo khảo sát của JETRO năm 2024, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá thủ tục hành chính của Việt Nam liên quan đến phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư… còn phức tạp. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và việc thực thi một số thủ tục liên quan đến nhập khẩu sản phẩm, giấy phép kinh doanh và thuế còn thiếu minh bạch.
Để khắc phục những tồn tại này, tại báo cáo Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên của Chính phủ trình Quốc hội mới đây đã yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Doanh nghiệp FDI Nhật Bản nói riêng và doanh nghiệp FDI nói chung đều có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế, cắt giảm thủ tục hành chính… chỉ cần đáp ứng được các yêu cầu này thì Việt Nam sẽ là điểm đến của doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản.