FAA dừng hoạt động ngay lập tức công ty điều hành chiếc trực thăng rơi xuống sông Hudson

Ngày 14/4, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo công ty điều hành chiếc trực thăng du lịch rơi xuống sông Hudson ngày 10/3 khiến toàn bộ 6 người trên trực thăng thiệt mạng, sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức.

Rà soát giấy phép và hồ sơ an toàn

Hãng tin Reuters dẫn thông tin FAA đăng tải trên mạng xã hội X cho biết sẽ tiến hành rà soát ngay lập tức giấy phép và hồ sơ an toàn của công ty New York Helicopter Tours.

Đồng thời, FAA sẽ tiếp tục tham gia hỗ trợ cuộc điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB).

Lực lượng cứu hộ trục vớt xác trực thăng lên bờ (Ảnh: Reuters).

Lực lượng cứu hộ trục vớt xác trực thăng lên bờ (Ảnh: Reuters).

Hiện cả FAA và NTSB đều đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. NTSB đã cử một nhóm đặc nhiệm đến hiện trường để kiểm tra xác máy bay và hồ sơ kỹ thuật, đồng thời kêu gọi người dân gửi video hoặc hình ảnh liên quan nếu có.

Đáng chú ý, theo NTSB chiếc trực thăng xấu số không được trang bị hộp đen hay thiết bị ghi dữ liệu, bao gồm cả máy quay. Lần kiểm tra lớn gần nhất đối với trực thăng này được thực hiện vào ngày 1/3. Chiếc trực thăng sau đó đã hoàn tất 7 chuyến bay tour trước khi gặp nạn.

Cùng ngày, Thượng Nghị sĩ New York Chuck Schumer lên tiếng kêu gọi các cơ quan liên bang cần thu hồi giấy phép hoạt động của New York Helicopter Tours.

"Một điều chắc chắn về các công ty tổ chức tour trực thăng ở New York là họ từng có những vụ việc gây chết người. Hơn nữa, thường là các công ty chức không phải các phi công cố tình lách luật của FAA, cắt giảm quy trình và có thể đang đặt lợi nhuận lên trên mạng sống con người". ông Schumer tuyên bố.

Phát hiện thông tin bất ngờ trong vụ rơi trực thăng trên sông Hudson, New YorkĐỌC NGAY

Ngoài việc yêu cầu tạm dừng các chuyến bay du lịch bằng trực thăng, ông Schumer đồng thời kêu gọi FAA tăng cường thanh tra bất ngờ tại các công ty trực thăng ở thành phố New York.

Trước đó, hồi cuối tuần, Ủy viên Hội đồng Thành phố New York Amanda Farías đã yêu cầu xem xét nghiêm túc các chính sách hiện tại và đề nghị thành phố cân nhắc tạm hoãn hoạt động trực thăng không thiết yếu trong thời gian diễn ra điều tra.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của bà Farías vấp phải phản ứng gay gắt từ Hội đồng Trực thăng Khu vực Miền Đông đại diện cho các công ty vận hành trực thăng trong khu vực.

"Cộng đồng ngành trực thăng đang bị sốc và rất đau buồn. Thật không may, một số nhà lãnh đạo có ý tốt nhưng đang hiểu sai vấn đề và lợi dụng thảm kịch này để thúc đẩy chương trình nghị sự đã tồn tại hàng chục năm qua nhằm cấm toàn bộ trực thăng du lịch. Trước khi đưa ra quyết định lập pháp, chúng ta cần chờ kết quả điều tra", Chủ tịch Hội đồng Trực thăng Khu vực Miền Đông Jeff Smith nhấn mạnh.

Những sự cố trực thăng đáng lo ngại

Được biết, khi xảy ra tai nạn, chiếc trực thăng xấu số chở 5 hành khách, trong đó có CEO Siemens Agustín Escobar, 49 tuổi và vợ Mercè Camprubí Montal cùng ba người con, hai bé trai (4 và 11 tuổi) và một bé gái sẽ bước sang tuổi 9 vào ngày 11/4.

Gia đình ông Escobar đến từ Tây Ban Nha, tơíNew York để mừng sinh nhật lần thứ 40 của bà Camprubí.

Nhóm điều tra của NTSB xem xét xác chiếc trực thăng gặp nạn (Ảnh: NTSB).

Nhóm điều tra của NTSB xem xét xác chiếc trực thăng gặp nạn (Ảnh: NTSB).

Trong khi đó, theo hồ sơ của FAA, viên phi công Seankese Johnson, 36 tuổi, từng là lính biệt kích SEAL Hải quân Seal. Ông Johnson được cấp phép lái trực thăng thương mại từ tháng 8/2023 và đã tích lũy 788 giờ bay.

Trước đó, nước Mỹ cũng trải qua một số sự cố trực thăng rất đáng lo ngại.

Năm 2013, một phi công của New York Helicopter Tours trong khi đang điều khiển trực thăng chở bốn hành khách đã nghe thấy tiếng nổ lớn kèm theo cảnh báo mất động cơ. Viên phi công đã buộc phải hạ cánh xuống vùng nước gần Manhattan trước khi kích hoạt phao nổi của trực thăng để đưa hành khách an toàn lên thuyền.

Đến năm 2015, một phi công của công ty New York Helicopter Charter cũng buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại New Jersey do trực thăng chỉ có thể bay lơ lửng ở độ cao khoảng 6m trong thời gian ngắn.

Điều tra ban đầu cho thấy đã có hiện tượng ăn mòn ở một số bộ phận của trực thăng. Một số linh kiện đã bị biến dạng đến mức không đủ đáp ứng điều kiện bay theo đánh giá của thanh tra FAA vào thời điểm đó. Hơn thế nữa, chiếc trực thăng này đã từng gặp tai nạn ở Chile năm 2010.

Khánh An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/faa-dung-hoat-dong-ngay-lap-tuc-cong-ty-dieu-hanh-chiec-truc-thang-roi-xuong-song-hudson-192250414150617108.htm
Zalo