EU muốn hợp tác với khối CPTPP để bảo vệ thương mại toàn cầu

Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump đã giúp hồi sinh kế hoạch xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) cho biết, EU và khối CPTPP mong muốn hợp tác để thiết lập các quy tắc cho thương mại công bằng toàn cầu. Ảnh: Daily Express

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) cho biết, EU và khối CPTPP mong muốn hợp tác để thiết lập các quy tắc cho thương mại công bằng toàn cầu. Ảnh: Daily Express

Kế hoạch tăng cường kết nối giữa EU và khối CPTPP gồm 12 thành viên được thúc đẩy mạnh từ đầu tháng Tư khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng với tất cả đối tác thương mại.

Một quan chức Ủy ban châu Âu (EC) tiết lộ, EU và khối CPTPP đã bước vào giai đoạn sẵn sàng xem xét “một hình thức hợp tác có cấu trúc”.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen chia sẻ với Financial Times rằng, hai khối muốn hợp tác để thiết lập “các quy tắc cho thương mại công bằng toàn cầu, mang lại lợi ích cho nhân loại”.

Bà von der Leyen nhấn mạnh, cả hai bên đều muốn tận dụng bất ổn thuế quan hiện tại để hợp tác chặt chẽ hơn và cải thiện Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

EU có thể cởi mở với các ý tưởng hợp tác bao gồm quan hệ chặt chẽ hơn về thương mại số và hàng hóa. Kế hoạch này sẽ tạo ra một liên minh thương mại bao trùm các nền kinh tế chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Điều đó gửi đi tín hiệu rằng, phần lớn hệ thống thương mại thế giới vẫn cam kết bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ, vốn đang bị đe dọa bởi các mức thuế của ông Trump, theo giới quan chức của hai bên.

Nỗ lực tăng cường quan hệ trước đây giữa EU và khối CPTPP vào năm 2023 đã không đạt được động lực ngoại giao. Tuy nhiên, một báo cáo của Ủy ban Thương mại quốc gia Thụy Điển khi đó lập luận rằng, nếu hợp tác, hai khối thương mại này có thể trở thành lực lượng chi phối và dẫn dắt thương mại toàn cầu.

CPTPP được thành lập năm 2018, gồm 12 thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Anh và Việt Nam. Hiệp định này cung cấp ưu đãi bình đẳng cho nhà đầu tư và thúc đẩy hội nhập sâu hơn trong thương mại hàng hóa. EU hiện đã có hiệp định thương mại song phương với 9 thành viên CPTPP.

Trong số các nước CPTPP, New Zealand, Canada và Singapore là những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ nhất cho quan hệ gần gũi hơn với EU. Các nhà ngoại giao cho biết, Nhật Bản cũng âm thầm hậu thuẫn mối quan hệ hợp tác này.

Bộ Ngoại giao Canada khẳng định, Canada cam kết tăng cường quan hệ thương mại với châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gần đây, lãnh đạo hai nước New Zealand và Singapore cũng công khai ủng hộ ý tưởng hợp tác sâu hơn giữa hai khối.

Tuy nhiên, cơ chế để biến những ý tưởng hợp tác này thành một quá trình đối thoại chính thức vẫn chưa được thiết lập, một phần vì Úc hiện giữ vai trò chủ tịch luân phiên của CPTPP, vừa tổ chức bầu cử cuối tuần qua.

Việc thành lập chính phủ mới tại Úc được kỳ vọng sẽ giúp khởi động lại các cuộc đàm phán hiệp định thương mại song phương EU-Úc, tạo diễn đàn chính trị để mở rộng đối thoại EU-CPTPP, theo các nhà ngoại giao EU.

Một nhà ngoại giao của CPTPP cho biết, cơ chế cải thiện hợp tác giữa hai khối có thể được thảo luận tại hội nghị bộ trưởng thương mại trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hàn Quốc trong tháng này.

Cecilia Malmström, cựu Cao ủy Thương mại EU và hiện làm việc tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận định, có động lực mới rõ ràng cho ý tưởng trên.

“EU thường hành động chậm chạp nhưng ba tháng qua, khối này đã thể hiện sự cấp bách thực sự trong việc bảo vệ thương mại dựa trên luật lệ”, bà nói.

Các chi tiết của thỏa thuận hợp tác vẫn đang được bàn bạc. Bà von der Leyen khẳng định EU không có kế hoạch gia nhập CPTPP. Một quan chức của CPTPP cho biết, một khung hợp tác tiềm năng có thể bao gồm hai khía cạnh bao gồm một bộ quy tắc ứng xử mới, trong đó hai bên cam kết tuân thủ các quy tắc thương mại của WTO. Khía cạnh còn lại là cuộc đối thoại riêng để hài hòa các quy định trong các lĩnh vực như thương mại số và bền vững.

Những đề xuất hợp tác tham vọng nhất còn đặt ra khả năng hai bên nhất trí “tích lũy” quy tắc xuất xứ, quy định xác định tỷ lệ nội địa hóa để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế thấp trong các hiệp định thương mại tự do.

Tích lũy (cumulation) là cơ chế cho phép các quốc gia trong cùng một khối thương mại cộng dồn giá trị nguyên liệu hoặc lao động từ nhiều nước để đáp ứng yêu cầu xuất xứ. Ví dụ, một sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, một thành viên của CPTPP có thể dùng linh kiện từ Nhật Bản (cũng thuộc CPTPP) và vẫn được coi là “sản phẩm nội khối” khi xuất sang EU.

Ý tưởng này, được Ủy ban Thương mại Thụy Điển và tổ chức tư vấn chính sách Bruegel ở Brussels (Bỉ) đề xuất, sẽ giúp doanh nghiệp ở EU và CPTPP tích hợp chuỗi cung ứng dễ dàng hơn và nhập khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau thuận lợi hơn. Tuy nhiên, một quan chức EC khẳng định EU chưa xem xét điều này.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/eu-muon-hop-tac-voi-khoi-cptpp-de-bao-ve-thuong-mai-toan-cau/
Zalo