Doanh nghiệp và các địa phương đồng hành thực hiện mục tiêu tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên cần sự nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước.
Nhiều địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn kế hoạch
Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 17, HĐND tỉnh Đắk Lắk thống nhất điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên – cao hơn 1% so với kế hoạch trước đó. Nhiều đề xuất nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đã được các đại biểu nêu ra.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, tỉnh Đắk Lắk quyết định điều chỉnh 6 chỉ tiêu so với nội dung UBND tỉnh đã báo cáo vào kỳ họp HĐND cuối năm 2024. Cụ thể là: nâng tổng sản phẩm xã hội thêm 642 tỷ đồng (phấn đấu đạt 68.425 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng 8% (tăng thêm 1%); thu ngân sách nhà nước 9.550 tỷ đồng (tăng 550 tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người 81,7 triệu đồng (tăng 0,7 triệu đồng); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,86 tỷ USD (tăng 160 triệu USD)…

Thế mạnh của Đắk Lắk là nông sản xuất khẩu, do vậy cần tiếp tục những giải pháp gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, tạo động lực tăng trưởng bền vững
Theo các đại biểu, dù các chỉ tiêu thành phần có tăng so với trước, nhưng các địa phương hoàn toàn có cơ sở để đạt được điều này. Việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% cho thấy quyết tâm khai thác hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Bí thư huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho rằng: quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm, trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị.
“Với sự quyết tâm, quyết liệt cùng đồng bộ thì không có gì khó khăn. Từng địa phương, từng tổ chức cá nhân liên quan phải có trách nhiệm chung, cùng phải tìm ra những giải pháp chứ không thể nói rằng khó mà không thực hiện. Cho nên sau khi ban hành nghị quyết thì cả hệ thống chính trị vào cuộc và sẽ có những giải pháp cụ thể, rõ nét cho từng nhiệm vụ cần phải làm gì để đạt được các kết quả trên” - bà Ngô Thị Minh Trinh nói.
Ngày 20/2, HĐND tỉnh Tây Ninh tổ chức kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) để kịp thời giải quyết những nội dung, công việc mang tính cấp thiết, quan trọng trong triển khai, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy; điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền.
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiều Công Minh trình bày tờ trình về việc ban hành Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 197 ngày 6/12/2024 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Tây Ninh điều chính tăng trưởng năm 2025 lên 10%
Theo dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 197, HĐND tỉnh điều chỉnh mục tiêu tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 10%, cao hơn 2% so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 197.
Ngoài điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, dự thảo nghị quyết cũng điều chỉnh một số chỉ tiêu: GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 4.620 USD; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%.
Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, các chương trình đột phá để phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh thống nhất thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10%.
Doanh nghiệp đồng hành hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng
Thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên vào năm nay và tạo nền tảng tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo- đang đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Là nhà sản xuất thép lớn tại nước ta, đầu tư lớn vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu, Tập đoàn Hòa Phát cam kết sẽ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế, Hòa Phát cũng như vậy, doanh nhiệp đưa ra mục tiêu từ năm 2025 -2030 chúng tôi sẽ cam kết tối thiểu phát triển đóng góp cho GDP của đất nước. Theo đó mỗi năm doanh nghiệp sẽ tăng trưởng không dưới 15%”.

Thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn, nhà nước tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở tăng trưởng, phát triển cần được ưu tiên gỡ ngay- nhằm tạo không gian tăng trưởng cho nền kinh tế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không gian tăng trưởng nhìn ở góc độ doanh nghiệp là chất lượng các quy định, chất lượng thực thi và chất lượng phối hợp. Đồng thời cho rằng, động lực tăng trưởng sẽ có được khi giải quyết được 2 nhóm vấn đề: một là, nhóm thủ tục đưa vốn nhanh vào nền kinh tế; hai là, nhóm thủ tục đưa hàng nhanh vào thị trường.
Cùng đó rà soát, ưu tiên gỡ ngay quy trình liên quan đến nhóm thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng- chấm dứt tình trạng 1 dự án phải mất 2-3 năm mới hoàn tất thủ tục; tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn thể chế… để từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp bứt phá, góp phần vào việc thực hiện hóa mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Ông Đậu Anh Tuấn nêu thực tế, tại một số địa phương hiện tăng trưởng liên tục hai con số gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang hoặc tỉnh nhỏ như Trà Vinh… Trong đó, đặc điểm chung của các tỉnh tăng trưởng hai con số là môi trường kinh doanh rất thuận lợi, thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, thuận lợi và tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh rất tốt, vì thế đưa ra đề xuất:
Chúng ta nên nghiên cứu mô hình các địa phương tăng trưởng hai con số, đây là bài học ở cấp độ quốc gia. Làm sao tạo không gian các địa phương năng động sáng tạo, thay vì chỉ 7-8 địa phương tăng trưởng hai con số, nếu chúng ta có 30- 40 địa phương tăng trưởng hai con số, chắc chắn tốc độ tăng trưởng Việt Nam sẽ cải thiện mạnh mẽ.
Gần 40 năm đổi mới, hiện cả nước đã có trên 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.
Để đạt tăng trưởng đề ra, yêu cầu đặt ra cho cộng động doanh nghiệp tư nhân đó là tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó để tăng tốc phát triển trong kỷ nguyên mới của dân tộc.