EU đạt tiến triển trong đàm phán về 'Quỹ quốc phòng chung'

Liên minh châu Âu (EU) đã đạt tiến triển trong đàm phán thành lập quỹ quốc phòng chung nhằm giảm bớt gánh nặng nợ công cho các thành viên. Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của khối 27 nước thành viên tăng cường tự chủ về quốc phòng, giảm phụ thuộc chiếc ô an ninh của Mỹ.

Ý tưởng về quỹ quốc phòng chung của EU do nhóm nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels chuyên về chính sách kinh tế châu Âu đề xuất. Theo đó, một quỹ mang tên “Cơ chế quốc phòng châu Âu” (EDM) sẽ được thành lập, với sự tham gia và đóng góp của cả các nước trong và ngoài Liên minh châu Âu, để vay trên thị trường, cùng nhau mua và sở hữu các thiết bị quân sự đắt tiền. Sự tham gia của các nước ngoài EU rất quan trọng, từ Anh - một cường quốc quốc phòng đến Na Uy, Canada và đặc biệt là Ukraine.

Sản xuất đạn pháo ở Na Uy. Ảnh: Nytimes.

Sản xuất đạn pháo ở Na Uy. Ảnh: Nytimes.

Theo Bruegel, nếu được triển khai trên thực tế, đây sẽ là một cách giải quyết mối quan ngại của các quốc gia mắc nợ lớn, vì khoản nợ phát sinh để trả cho thiết bị sẽ nằm trong sổ sách của EDM, thay vì trong tài khoản quốc gia. Tuy nhiên, một số quốc gia như Pháp, Đức và Bỉ cho biết EU trước tiên nên xem xét các công cụ hiện có, như Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Quỹ Quốc phòng châu Âu và kế hoạch ReArm Europe trước khi tạo ra các công cụ mới.

EU hiện đang tìm cách tăng chi tiêu quân sự thêm 800 tỷ euro trong 4 năm tới bằng cách nới lỏng các quy tắc tài chính về đầu tư quốc phòng và cùng nhau vay vốn cho các dự án quốc phòng lớn dựa trên ngân sách EU. Nhưng những lựa chọn như vậy sẽ làm tăng nợ quốc gia. Theo Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Domanski, việc hoàn thiện gói cứu trợ trị giá 800 tỷ euro là ưu tiên hàng đầu, nhưng hầu hết các bộ trưởng tài chính đều đồng ý rằng có thể cần thêm các công cụ bổ sung.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhiều lần nhấn mạnh, các quốc gia thành viên cần nhiều không gian tài chính hơn cho các khoản đầu tư quốc phòng: "Chúng ta đang trong kỷ nguyên tái vũ trang và EU sẵn sàng tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, vừa để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong ngắn hạn để hành động và hỗ trợ Ucraina vừa để giải quyết nhu cầu dài hạn là phải chịu nhiều trách nhiệm hơn cho an ninh của chính chúng ta."

Trên thực tế, hoạt động mua sắm và sản xuất quốc phòng tại EU gồm 27 quốc gia rất phân mảnh với ít nhất 7 loại xe tăng, 9 loại pháo tự hành và 7 loại xe chiến đấu bộ binh khác nhau, làm tăng chi phí, giảm khả năng tương tác và cản trở quy mô kinh tế. Theo đánh giá của Bruegel, châu Âu chỉ có cơ hội giảm sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ vào năm 2030 nếu các nước hợp nhất hoạt động mua sắm ở mức độ lớn nhất có thể và tạo ra một thị trường quốc phòng chung của châu Âu, bao gồm Anh là một nước công nghiệp quốc phòng lớn để thúc đẩy cạnh tranh.

Thêm vào các lựa chọn, Tây Ban Nha đề xuất thành lập một công ty tạm thời có mục đích đặc biệt, được tài trợ bởi các khoản đóng góp từ các chính phủ EU và mở cửa cho các thành viên ngoài EU. Công ty này cũng có thể phát hành trái phiếu chung của châu Âu và có quyền tiếp cận Cơ chế ổn định châu Âu. Theo Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Carlos Cuerpo, đây là lúc châu Âu phải đoàn kết để hỗ trợ Ukraine và các nước tiền tuyến phía đông, cũng như cần đầu tư chung vào quốc phòng vì lợi ích thực sự của chính người dân châu Âu và củng cố an ninh kinh tế.

Thu Hoài/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/eu-dat-tien-trien-trong-dam-phan-ve-quy-quoc-phong-chung-post1191686.vov
Zalo