Xây dựng quân đội châu Âu: Lý thuyết hay thực tế?
Một số nhà lãnh đạo châu Âu gần đây đã tái kêu gọi thành lập quân đội châu Âu.

Ảnh: Euronews.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nằm trong số những người có tiếng nói mới nhất ủng hộ ý tưởng thành lập quân đội châu Âu nhằm đảm bảo nền hòa bình đáng tin cậy và lâu dài trên lục địa.
“Đã đến lúc thành lập quân đội châu Âu, lực lượng vũ trang EU với quân đội từ tất cả 27 quốc gia thành viên, hoạt động dưới một lá cờ duy nhất với cùng mục tiêu”, Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết. “Đây là cách duy nhất để chúng ta trở thành một liên minh thực sự”.
Trên lý thuyết, khái niệm này rất hấp dẫn. Nó có thể thúc đẩy khả năng tương tác của các hệ thống quân sự, vũ khí và lực lượng, liên quan đến cấu trúc chỉ huy chung để cải thiện sự phối hợp giữa tất cả các lực lượng tham gia.
Châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh hiện có 1,47 triệu quân nhân đang tại ngũ. Đến cuối năm 2024, sự hiện diện của Nga tại Ukraine đã lên tới 700.000 quân.
Theo Báo cáo cân bằng quân sự 2025 do IISS biên soạn, lực lượng vũ trang lớn nhất là Pháp với 202.200 quân, tiếp theo là Đức (179.850 quân), Ba Lan (164.100 quân), Ý (161.850 quân), Vương quốc Anh (141.100 quân), Hy Lạp (132.000 quân) và Tây Ban Nha (122.200 quân).
Trong ngắn hạn, thách thức của châu Âu không phải là thay thế quân đội Mỹ, Max Bergmann, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ, cho biết trong một phân tích gần đây. “Nhưng về lâu dài, châu Âu nên nghiêm túc xây dựng một lực lượng chung có thể chiến đấu và hành động như một để bảo vệ châu Âu, có thể thay thế Mỹ”, ông viết.
Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi từ nhiều quốc gia, các quan chức EU tại Brussels vẫn còn ngần ngại khơi lại vấn đề. Một quan chức cho biết việc tiếp tục tranh luận về việc thành lập quân đội châu Âu sẽ chỉ gây ra sự nhầm lẫn.
Một phát ngôn viên của EU cho biết thêm: “Quốc phòng sẽ vẫn là đặc quyền của quốc gia”, đồng thời cho rằng “vấn đề không phải là có một quân đội EU mà là có 27 đội quân có năng lực và khả năng tương tác, có thể làm việc cùng nhau”.
Các cuộc thảo luận và kế hoạch hiện tại đang tập trung vào việc đưa Ukraine vào thị trường quốc phòng EU và tăng cường năng lực cũng như sự sẵn sàng của quân đội trong trường hợp xảy ra hành động xâm lược tiềm tàng của Nga - điều mà theo một số cơ quan tình báo châu Âu, có thể xảy ra trong vòng 5 năm.
Đầu năm nay, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Kaja Kallas đã lưu ý rằng sự phân mảnh ở châu Âu đang làm tăng chi phí, cản trở khả năng tương tác và gây ra các vấn đề về hậu cần. Châu lục này hiện có 172 loại hệ thống vũ khí lớn, máy bay, phương tiện và tàu chiến khác nhau, so với chỉ 32 loại ở Mỹ.
"Chúng ta cần sự hội nhập trong quốc phòng và khả năng tương tác trên thực địa. Chúng ta không cần một đội quân châu Âu", cựu thủ tướng Estonia cho biết.
Hiện tại, 23 trong số 27 quốc gia EU nằm trong phạm vi an ninh của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, khi Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, họ đang thúc giục các đồng minh của mình gánh vác nhiều hơn gánh nặng trong việc bảo vệ lục địa châu Âu.
NATO dự kiến sẽ kêu gọi 32 đồng minh tăng mục tiêu năng lực quân sự lên 30% trong hội nghị thượng đỉnh thường niên tại The Hague, Hà Lan vào tháng 6.
Liên minh cũng có thể yêu cầu các thành viên tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 3% GDP - tăng từ mức 2% hiện tại, mà một số nước châu Âu, bao gồm Bỉ, Ý và Tây Ban Nha, vẫn chưa đạt được.
Những nhân vật có ảnh hưởng lớn của EU như Kallas và Andrius Kubilius, ủy viên quốc phòng của khối, đã nhiều lần nhấn mạnh EU không tìm cách cạnh tranh với NATO mà muốn hỗ trợ các thành viên châu Âu đạt được các mục tiêu chung.
Kallas cho biết vào cuối tháng 1: “Chúng ta cần 27 đội quân châu Âu có năng lực, có thể làm việc hiệu quả cùng nhau để ngăn chặn các đối thủ và bảo vệ châu Âu - tốt nhất là cùng với các đồng minh và đối tác của chúng ta, nhưng nếu cần thì có thể tác chiến một mình”.
Theo ước tính sơ bộ từ tổ chức nghiên cứu kinh tế Bruegel có trụ sở tại Brussels, để châu Âu có thể đóng vai trò răn đe đáng tin cậy mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội châu Âu sẽ cần ít nhất 1.400 xe tăng, 2.000 xe chiến đấu bộ binh và 700 khẩu pháo. Ngoài ra, cần một triệu quả đạn pháo 155mm cho 3 tháng đầu tiên của cuộc chiến cường độ cao.
Về mặt nhân sự, châu Âu sẽ cần thêm 300.000 quân. Chi tiêu quốc phòng cũng sẽ phải tăng khoảng 250 tỷ euro mỗi năm, khoảng 3,5% GDP trong ngắn hạn.
Tiến sĩ Alexandr Burilkov từ Bruegel cho biết: “Chúng ta nên cố gắng tạo ra sự cân bằng về quân sự giữa châu Âu và Nga, điều này sẽ duy trì được khả năng răn đe mà không cần phải dùng đến khả năng răn đe hạt nhân”.