EU chuẩn bị công bố kế hoạch loại bỏ dần dầu và khí đốt của Nga
Hôm thứ Hai 14/4, Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ công bố chiến lược chi tiết hơn để loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga vào tháng tới, sau hai lần trì hoãn kế hoạch này.

Ảnh minh họa
EU đã cam kết sẽ ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, nhưng Ủy ban đã trì hoãn việc công bố lộ trình về cách thức thực hiện. Ban đầu kế hoạch này dự kiến được công bố vào tháng trước.
Các nguồn tin từ EU tiết lộ với Reuters rằng, sự chậm trễ này một phần là do tính khó lường xung quanh kế hoạch áp thuế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong đó thương mại năng lượng có khả năng ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại EU-Hoa Kỳ.
Mặc dù lượng khí đốt cung cấp qua đường ống của Nga đã giảm mạnh kể từ năm 2022, nhưng EU đã tăng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Nga vào năm ngoái, và khối này vẫn nhận được 19% tổng nguồn cung khí đốt và LNG từ Nga vào năm 2024.
Không giống như dầu mỏ, EU không áp dụng lệnh trừng phạt đối với việc nhập khẩu khí đốt của Nga.
Hungary đã tuyên bố sẽ ngăn chặn các lệnh trừng phạt năng lượng của Nga - lệnh trừng phạt mà đòi hỏi phải có sự chấp thuận nhất trí của các nước EU, trong khi đó một số nước khác cũng đã ra tín hiệu không muốn chấp thuận các lệnh trừng phạt đối với LNG của Nga, trước khi EU đảm bảo được nguồn cung cấp thay thế.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu cũng chưa chỉ ra những công cụ nào mà họ dự định đề xuất để đẩy nhanh quá trình loại bỏ năng lượng của Nga. Các nhà phân tích tại viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, đã đề xuất EU áp thuế đối với khí đốt nhập khẩu của Nga.
Việc ngừng nhập khí đốt hoàn toàn từ Nga có nghĩa là EU sẽ mua nhiều khí đốt hơn từ các nhà cung cấp bao gồm cả Hoa Kỳ.
EU cho biết họ sẽ cân nhắc mua thêm LNG từ Hoa Kỳ, và ông Trump cho biết việc bán thêm năng lượng cho châu Âu sẽ là trọng tâm chính, trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm xóa bỏ thâm hụt thương mại với EU.
LNG của Hoa Kỳ đã giúp thu hẹp khoảng cách nguồn cung của Nga tại châu Âu, trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022. Năm ngoái, Hoa Kỳ là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của châu Âu, sau Nga và nhà cung cấp hàng đầu là Na Uy.
Nhưng một số doanh nghiệp và nhà ngoại giao EU lo ngại rằng việc phụ thuộc vào khí đốt của Hoa Kỳ sẽ trở thành điểm yếu, sau khi ông Trump ám chỉ năng lượng sẽ là một con bài mặc cả, trong các cuộc đàm phán thương mại.