ESG không chỉ là tín dụng xanh
Tích hợp tiêu chuẩn ESG vào chiến lược kinh doanh đang trở thành xu hướng toàn cầu, không chỉ đối với các doanh nghiệp mà cả các ngân hàng thương mại (NHTM).
ESG không chỉ là tín dụng xanh
Tích hợp ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) mang lại nhiều lợi ích lớn cho các ngân hàng thương mại, giúp cải thiện danh tiếng, quản trị rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh. Tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ Agribank và Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG Agribank, “ESG không chỉ là tín dụng xanh, mà là hệ sinh thái các giá trị bền vững mà ngân hàng phải xây dựng và cam kết”.
Trước hết, ESG là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao danh tiếng của ngân hàng. Các hoạt động hướng tới ESG giúp ngân hàng xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt Chính phủ, cơ quan quản lý, khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng. Nhiều tổ chức quốc tế như Moody’s, Fitch Rating hay Sustainalytics đã đưa ra các đánh giá ESG độc lập, tạo cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn đối tác. Việc đáp ứng các tiêu chí ESG không chỉ mang lại uy tín mà còn là lợi thế cạnh tranh quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc áp dụng ESG còn mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm tài chính tiên phong như tín dụng xanh, trái phiếu xanh và dịch vụ ngân hàng bền vững. Điều này giúp ngân hàng đón đầu xu hướng kinh tế tương lai, mở rộng thị trường và tăng tính cạnh tranh. Các ngân hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
ESG cũng đóng vai trò then chốt trong quản trị rủi ro. Nếu không kiểm soát tốt các yếu tố môi trường và xã hội, ngân hàng có thể đối mặt với rủi ro từ các khoản vay hoặc đối tác kinh doanh. Việc xảy ra các sự cố liên quan đến ESG có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu. Vì vậy, việc tích hợp ESG giúp ngân hàng nhận diện và kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn, từ đó tăng cường tính bền vững cho hoạt động kinh doanh.
Là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam, Agribank đã có nhiều nỗ lực trong việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh. Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, “Agribank không chỉ dừng lại ở việc tài trợ tín dụng xanh mà còn thực hiện đồng bộ các trụ cột ESG, từ phát triển bền vững đến hỗ trợ cộng đồng và quản trị minh bạch”.
Agribank đã tập trung ưu tiên tín dụng xanh, tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và công nghệ cao. Từ năm 2016, ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng “nông nghiệp sạch, công nghệ cao” với quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng. Đến giữa năm 2024, dư nợ tín dụng xanh của Agribank đã đạt 27.816 tỷ đồng, trong đó 55% thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo. Những con số này minh chứng cho cam kết của Agribank trong việc góp phần phát triển bền vững đất nước.
Ngoài việc cấp vốn, Agribank cũng chú trọng quản trị rủi ro môi trường. Quy định 1289 được ban hành năm 2023 là bước tiến lớn trong việc tích hợp rủi ro môi trường vào quy trình thẩm định tín dụng. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ các khoản vay mà còn đảm bảo tính bền vững trong hoạt động tài chính.
Trên khía cạnh xã hội, Agribank triển khai nhiều chính sách tài chính toàn diện, đưa dịch vụ ngân hàng đến vùng sâu, vùng xa. Các chương trình tín dụng chính sách và điểm giao dịch lưu động đã giúp hàng triệu người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, nâng cao đời sống kinh tế và xã hội. Đặc biệt, Agribank đã hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai bằng cách giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và miễn lãi quá hạn,…
Thúc đẩy ESG
Để triển khai ESG hiệu quả hơn, đại diện Agribank đã đưa ra một số kiến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan quản lý. Trước hết, Agribank kiến nghị Chính phủ thúc đẩy thị trường carbon thông qua xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon và sàn giao dịch tín chỉ carbon. Việc này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn mở ra cơ hội tài chính lớn cho các dự án xanh.
Ngân hàng này cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành bộ tiêu chí môi trường, giúp các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý và kỹ thuật để xác định các dự án tín dụng xanh.
Ngân hàng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về tuân thủ môi trường. Hệ thống này sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc đánh giá mức độ rủi ro môi trường, từ đó đưa ra các quyết định tài trợ hợp lý.
Một đề xuất khác được đưa ra là áp dụng mô hình “Hoán đổi nợ lấy khí hậu” của Barbados. Đây là cơ chế cho phép Chính phủ đàm phán với các chủ nợ quốc tế để tái cấu trúc nợ, chuyển nguồn tài chính sang tài trợ các dự án khí hậu thay vì trả nợ.
Cuối cùng, Agribank kiến nghị Chính phủ tăng cường huy động tài chính tư nhân cho các dự án khí hậu. Việc phát hành trái phiếu xanh và thúc đẩy mô hình đối tác công – tư (PPP) sẽ giúp tạo nguồn lực lớn, đảm bảo sự thành công của các sáng kiến khí hậu và phát triển bền vững.