Vốn rẻ còn nhiều
Để kích cầu tín dụng trong hơn một tháng còn lại của năm 2024, các ngân hàng đẩy mạnh vốn rẻ ra thị trường, nhất là với cho vay cá nhân tiêu dùng, mua nhà…
Đẩy vốn rẻ
Các ngân hàng đang tích cực triển khai các gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ người dân tăng cường sản xuất - kinh doanh.
Chẳng hạn, BVBank cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất từ 4,49%/năm. HDBank triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay thấp hơn thông thường 1 - 2%/năm. Đồng thời, HD Saison, đơn vị thành viên của HDBank, đưa ra gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay thông thường.
ACB đã triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng lãi suất thấp và sẽ tiếp tục nâng quy mô gói vốn này lên 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịp cuối năm nay.
Ở quy mô lớn hơn, Agribank đưa ra gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng, với lãi suất từ 2,6%/năm; 2 gói tín dụng với tổng quy mô 110.000 tỷ đồng với lãi suất từ 3,5%/năm dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy, hải sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Giai đoạn cuối năm 2024, nhiều chính sách đáng chú ý có thể tác động đến tín dụng. Đó là, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ; nâng gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực thủy sản và lâm sản từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đăng ký thêm những gói tín dụng mới để cho vay mới và giảm lãi suất. Đáng chú ý, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 0,5 - 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã ổn định lãi suất điều hành và chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, chuyển đổi số mạnh mẽ, công khai lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân tiếp cận. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, lãi suất cho vay bình quân năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và đến ngày 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Tại cuộc họp báo quý III/2024, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, thanh khoản toàn hệ thống vẫn ổn định và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng. Các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thực tế cũng cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành (sau khi đã giảm 4 lần liên tiếp trong năm 2023) nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ với chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước để góp phần hỗ trợ nền kinh tế và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay được nhận định khó có thể sớm tăng trở lại trong thời gian từ nay đến hết năm 2024 khi chủ trương của nhà điều hành là nỗ lực giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; đồng thời, các ngân hàng cũng phải cạnh tranh trong cho vay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng mong mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm khoảng 0,5%/năm trong thời gian còn lại của năm 2024, song ông cũng cho rằng, việc giảm lãi suất cũng còn tùy thuộc vào chi phí vốn của các ngân hàng. Các ngân hàng hiện huy động vốn với lãi suất đang tăng. Chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng tăng thì việc giảm lãi suất cũng không dễ, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng hiện nay.
“Nợ xấu ngành ngân hàng đến thời điểm này có thể vượt 6%. Nếu nợ xấu tăng, ngân hàng phải đẩy lãi vay để bù đắp dự phòng nợ xấu và thất thoát khi khách hàng mất khả năng trả nợ nên khó giảm sâu lãi vay”, TS Hiếu nói.
Tín dụng có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 15%
Thanh khoản toàn hệ thống vẫn ổn định và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, tính đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng 15%, các ngân hàng còn nhiều dư địa cấp vốn trong 2 tháng cuối năm. Để kích cầu tín dụng cũng như đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay cả với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân.
Thông tin được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM chia sẻ, trong những tháng gần đây, hoạt động tín dụng trên địa bàn Thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, tháng 10/2024, tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng 0,98% so với tháng trước, trong khi tháng 9/2024 tín dụng tăng 1,1%, tháng 8/2024 tăng 0,75%; tháng 7/2024 giảm 0,09% và tháng 6/2024 tăng 2,03%.
Theo lý giải của ông Lệnh, trong 2 tháng còn lại của năm, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn 10 tháng đạt 3.855.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2023, tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, là điều kiện thuận lợi để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm.
Cũng theo ông Lệnh, hoạt động tín dụng cho vay bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo giữ ổn định giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng, thiết yếu dịp cuối năm sẽ tiếp tục được tổ chức thực hiện tốt. Đến nay, doanh số cho vay đối với chương trình này trên địa bàn TP.HCM đạt 9.778 tỷ đồng, cho 37 doanh nghiệp tham gia chương trình (gồm doanh nghiệp bình ổn, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng).
“Lãi suất cho vay thấp, bình quân khoảng 4%/năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán hoặc giữ ổn định giá bán - thường có xu hướng tăng trong dịp Tết”, ông Lệnh cho hay.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024 của các tổ chức tín dụng cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng rất khả quan. Cụ thể, MB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 13,5% trong 9 tháng đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng tốt, đạt 664.452 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, công nghiệp phụ trợ.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, dư nợ tín dụng của ACB tăng khoảng 14% so với đầu năm và theo ông Từ Tiến Phát, CEO ACB, khả năng đến cuối năm, nhà băng này hoàn tất mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18%.
Tại HDBank, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 412.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so đầu năm. Hay LPBank cho vay khách hàng tăng trưởng 16,1% trong 9 tháng, đạt 319.770 tỷ đồng vào cuối tháng 9.
Tính đến cuối tháng 9/2024, Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 17,4% so với đầu năm, đạt 622.100 tỷ đồng. Động lực chính tạo ra con số lợi nhuận ấn tượng của Techcombank trong 9 tháng đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần. Với mức tăng trưởng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 26.906 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần đóng góp 72% tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng.
Theo lý giải của ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, Ngân hàng đã mở rộng được danh mục tín dụng vào nhóm khách hàng cá nhân. Đặc biệt, nhu cầu vay mua nhà tăng đã giúp Techcombank gia tăng khả năng sinh lời từ các khoản vay có lợi suất tốt và ổn định. Cụ thể, dư nợ khách hàng cá nhân tăng 6% trong quý III/2024 và 13,2% so với đầu năm, đạt kỷ lục 193.600 tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng doanh nghiệp của ngân hàng này ghi nhận mức tăng 2,9% trong quý III/2024 và 16,3% so với đầu năm, lên 395.100 tỷ đồng.
Tại VIB, dư nợ tín dụng đến cuối quý III/2024 tăng gần 12% so đầu năm nay, cao hơn mức trung bình ngành là 9%. Riêng quý III, VIB tăng trưởng tín dụng gần 7%...
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong cả năm nay của ngành ngân hàng, theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, không khó để đạt được, vì tín dụng thường tăng vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và đạt mục tiêu cuối năm có thể không có nhiều ý nghĩa.