Elon Musk và ảo mộng thiên tài

Những sai lầm mới nhất của Elon Musk cho thấy không 'thiên tài' nào có thể trở thành chuyên gia ở mọi lĩnh vực, bất chấp kỳ vọng của công chúng.

 Tỷ phú Elon Musk được cho đã vấp phải nhiều sai lầm khi điều hành DOGE. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Elon Musk được cho đã vấp phải nhiều sai lầm khi điều hành DOGE. Ảnh: Reuters.

Con người có xu hướng hâm mộ những cá nhân giỏi giang và cho rằng một khi thành công trong một lĩnh vực, người đó sẽ thành công ở cả các lĩnh vực khác.

Trên thực tế, thành công thường chỉ đến khi các thiên tài gặp đúng lĩnh vực thế mạnh của mình. Thực tế xảy ra với Elon Musk và Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ (DOGE) vừa qua là ví dụ.

Sai lầm của Musk

Có thể coi Elon Musk là thiên tài. Với Tesla, ông viết nên chương mới cho ngành công nghiệp xe hơi. Với SpaceX, một kỷ nguyên khám phá vũ trụ mới của con người đang hé mở. Dù có nhiều ý kiến khác nhau, không thể phủ nhận tài năng của ông.

Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi từ khi Elon Musk tham gia chính phủ Mỹ.

Hồi giữa tháng 2, DOGE sa thải hàng trăm nhân viên Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) - vốn chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn của kho vũ khí hạt nhân khổng lồ mà Mỹ đang nắm giữ. Dù vậy, chỉ trong 48 giờ, hàng loạt người đã được phục chức sau khi vai trò của họ được làm rõ.

“Nhân sự của DOGE không có hiểu biết gì về trách nhiệm của các cơ quan”, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ (ACA) tuyên bố.

Tương tự, ý tưởng cắt giảm nguồn lực chăm sóc y tế cho các nạn nhân của vụ khủng bố 11/9 cũng bị đảo ngược. Chính trang web của DOGE đã gỡ bỏ các lập luận của mình sau khi bị chứng minh là sai lầm.

Không chỉ Musk, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tài năng đã gặp khó khăn khi muốn đổi ngành nghề. John Sculley từng rất thành công tại PepsiCo nhưng lại thất bại ở Apple. Ron Johnson đã mang tới cuộc cách mạng ở Apple, nhưng khiến hãng bán lẻ JCPenney điêu đứng. Trong cả hai trường hợp, các công ty đều mất hơn nửa giá trị vốn hóa trong nhiệm kỳ lãnh đạo đó.

 Người biểu tình Mỹ cầm biểu ngữ phản đối Elon Musk tại thủ đô Washington hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình Mỹ cầm biểu ngữ phản đối Elon Musk tại thủ đô Washington hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Hai giáo sư Boris Groysberg và Nitin Nohria tại Trường Kinh doanh Harvard từng có nghiên cứu về những cựu nhân viên General Electric (doanh nghiệp từng là hình mẫu quản lý tại Mỹ) chuyển sang làm giám đốc điều hành của các công ty khác. Họ nhận thấy những người này chỉ thành công nếu các thách thức gặp phải tương tự những gì họ trải qua tại General Electric.

Ngay cả khi đổi công việc trong cùng ngành nghề, màn thể hiện có thể cũng sẽ khác biệt. Một nghiên cứu khác của giáo sư Groysberg cho thấy khi những chuyên gia phân tích đổi ngân hàng làm việc, năng suất của họ cũng sẽ giảm do các kỹ năng cần thiết là khác nhau giữa các ngân hàng.

Khi lãnh đạo các doanh nghiệp là “người mới” - thay vì được bổ nhiệm từ trong nội bộ, kết quả cũng có sự khác biệt: Có người thành công, có người thất bại - với tỷ lệ thất bại cao hơn.

Hiệu ứng hào quang và “căn bệnh Nobel”

Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, văn hóa đại chúng Mỹ cũng đề cao những nhân vật tài giỏi ở nhiều phương diện khác nhau. Nhân vật Hulk của vũ trụ điện ảnh Marvel được mô tả là người “có bảy bằng tiến sĩ”. Trên truyền hình, không thiếu những nhân vật có thể làm bất cứ điều gì - từ hack máy tính tới chữa bệnh.

Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu có nên lắng nghe các “chuyên gia” này trong các lĩnh vực không phải thế mạnh của họ hay không? Và họ có nên nắm giữ vị trí có “quyền sinh quyền sát” trong các lĩnh vực đó không?

Các chuyên gia tâm lý học gọi đây là “hiệu ứng hào quang” - khi một điểm tích cực có thể ảnh hưởng tới cách chúng ta đánh giá tổng thể một con người. Ví dụ, khi ai đó hấp dẫn, chúng ta có xu hướng cho rằng họ thông minh hơn - bất chấp không có bằng chứng chứng minh.

Gần tương đồng là “căn bệnh Nobel”. Đây là thuật ngữ chỉ hiện tượng nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel quảng bá cho những ý tưởng thiếu cơ sở sau khi nhận giải, phần nào do được coi là “chuyên gia” ở quá nhiều lĩnh vực nằm ngoài phạm vi chuyên môn.

 Nhiều nhà khoa học đã cổ vũ những ý tưởng "lạ" sau khi đoạt giải Nobel. Ảnh: Reuters.

Nhiều nhà khoa học đã cổ vũ những ý tưởng "lạ" sau khi đoạt giải Nobel. Ảnh: Reuters.

“Tôi từng được hỏi quan điểm với mọi vấn đề, từ cách chữa cảm cúm tới giá trị thị trường của một bức thư do John F. Kennedy ký”, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Milton Friedman từng phàn nàn.

Phillip Lenard nhận được giải Nobel Vật lý năm 1905 nhờ các nghiên cứu về tia âm cực. Tuy nhiên, ông sau đó lại là người cổ súy tư tưởng phát xít về khoa học, phân tách nền khoa học “thuần chủng Đức” và nền khoa học “Do Thái”.

Gần đây hơn, nhà hóa học Kary Mullis - chủ nhân giải Nobel năm 1993 - nhiều lần tỏ ý nghi ngờ virus HIV có thể gây ra bệnh AIDS và không tin con người là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

“Đừng nhìn thấy hào quang nữa. Nếu một người giỏi trong đầu tư hay với tư cách giám đốc điều hành, họ chưa chắc đã là chuyên gia về chính sách đối ngoại, y sinh hay thuế”, giáo sư Gautam Mukunda tại Trường Kinh doanh Harvard viết trên Bloomberg.

Hà Thủy

Nguồn Znews: https://znews.vn/elon-musk-va-ao-mong-thien-tai-post1547332.html
Zalo