Việt Nam hút gần 11 tỷ USD vốn FDI trong quý I
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ, nổi bật là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI. Ảnh: Quỳnh Danh.
Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy đến hết tháng 3, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (vốn FDI) đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 7%.
Tính lũy kế đến ngày 31/3, cả nước có 42.760 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 511 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài đạt gần 328 tỷ USD, bằng gần 64% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong quý I, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 18/21 ngành kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,79 tỷ USD (chiếm gần 62% vốn).
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,39 tỷ USD (chiếm 22% vốn). Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và bán buôn, bán lẻ, với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 591 triệu USD và hơn 272 triệu USD.
Trong 3 tháng đầu năm, 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với hơn 3 tỷ USD, chiếm trên 28% tổng vốn đầu tư và tăng 4% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,9 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư cả nước, hơn gấp đôi cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư Việt Nam thực hiện 30 dự án mới ra nước ngoài và 5 lượt điều chỉnh vốn đầu tư trong quý đầu năm. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 239 triệu USD, gấp hơn 8 lần cùng kỳ 2024.
Nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 11 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào ngành sản xuất, phân phối điện với dự án lớn có vốn đầu tư hơn 111 triệu USD (chiếm 47% vốn) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với gần 66 tỷ USD (chiếm 27% vốn); ngành khai khoáng chiếm 17%...
Có 22 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, nhiều nhất là Lào, Philippines, Indonesia...
Ngoài vốn đầu tư, Bộ Tài chính cập nhật trên hệ thống TABMIS cho thấy thu ngân sách Nhà nước tính đến hết ngày 15/4 đạt 801.900 tỷ đồng, bằng 41% dự toán. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 407.200 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 394.700 tỷ đồng.
Riêng tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 3 đạt 189.700 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa đạt 161.200 tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 4.500 tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 24.000 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 3 tháng đạt 721.300 tỷ đồng, bằng 37% dự toán, tăng 29% so cùng kỳ năm 2024.
Ở chiều ngược lại, tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước tháng 3 đạt 148.100 tỷ đồng; lũy kế chi quý I đạt 428.200 tỷ đồng, bằng 17% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2024.
Bộ Tài chính cho biết trong quý I đã chi từ dự phòng ngân sách trung ương gần 904 tỷ đồng, trong đó bổ sung cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường (802,8 tỷ đồng); hỗ trợ các địa phương (100,7 tỷ đồng) kinh phí phòng, chống dịch, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.