Elon Musk cân nhắc rút khỏi chính phủ Mỹ giữa loạt chỉ trích gay gắt từ phe cánh tả
Tỷ phú Elon Musk đang xem xét rút khỏi vị trí trong chính phủ Mỹ vì cho rằng mình liên tục hứng chịu 'những đòn công kích tàn nhẫn và phi đạo đức' từ phe cánh tả, theo Washington Post.

Thông tin mới đây cho rằng Elon Musk có thể sớm rời khỏi vai trò trong chính phủ do liên tục bị chỉ trích. Ảnh: AFP.
Elon Musk hiện giữ vai trò người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency – viết tắt là DOGE), dưới tư cách nhân viên đặc biệt của chính phủ. Tuy nhiên, vị trí này dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng tới và hiện chưa rõ thời điểm ông sẽ chính thức rút lui.
Nguồn tin thân cận tiết lộ với Washington Post hôm 21/4 rằng Musk tin DOGE sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả ngay cả khi ông rời đi, vì đội ngũ nhân sự đã được thiết lập và phân bổ đều trong nhiều cơ quan liên bang.
Tuy vậy, những đồn đoán về khả năng Musk rút lui càng trở nên rõ nét trong bối cảnh ảnh hưởng của ông trong chính quyền dường như đang suy giảm.
Tuần trước, tờ New York Times đưa tin quyền ủy viên Sở Thuế vụ (IRS) bị thay thế sau khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phàn nàn rằng Musk đã tự ý đưa người của mình vào vị trí này mà không có sự đồng thuận của ông. Một số thành viên nội các khác cũng bày tỏ sự khó chịu với Musk vì các biện pháp cắt giảm chi phí được triển khai mà không có sự phối hợp.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Dan Ives từ Wedbush Securities cho rằng Musk nên rút khỏi chính trường và quay lại tập trung toàn lực cho Tesla, khi công ty này đang đối mặt với "báo động đỏ".
“Elon Musk cần rời khỏi chính phủ, tạm gác lại DOGE và quay lại làm CEO toàn thời gian của Tesla”, ông Ives viết trong báo cáo gửi khách hàng. “Tesla chính là Musk và Musk cũng là Tesla…Ai cho rằng những thiệt hại thương hiệu do Musk gây ra là không đáng kể thì nên thử nói chuyện với khách hàng ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Suy nghĩ của bạn sẽ khác”.
Ông Ives cảnh báo rằng Tesla đang dần trở thành biểu tượng chính trị gắn với chính quyền Trump và DOGE, điều này có thể khiến nhu cầu mua xe Tesla giảm vĩnh viễn từ 15% đến 20% trong tương lai.
Một chi tiết khác được Washington Post tiết lộ là Musk từng yêu cầu nhân viên liên bang gửi email hàng tuần liệt kê 5 việc họ đã làm. Ông cảnh báo nếu không gửi email thì sẽ bị xem là “tự xin nghỉ việc”. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi quy định được ban hành (22/2), Văn phòng Quản lý Nhân sự Liên bang ra thông báo cho biết việc tham gia là hoàn toàn tự nguyện và không gửi email không đồng nghĩa với việc từ chức.
Hiện các cơ quan liên bang đang áp dụng chính sách khác nhau: một số đã ngừng yêu cầu email, số khác thì vẫn duy trì nhưng không kiểm tra, hoặc xử lý mang tính hình thức. Nhiều nhân viên cho biết họ coi việc này như một trò đùa và gửi những nội dung giống nhau mỗi tuần.