Thuế quan của Tổng thống Trump thúc đẩy xu hướng tự do thương mại tại châu Âu
Tờ Politico đưa tin ngày 22/4, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt rào cản thuế quan đang khiến nhiều quốc gia bắt đầu xích lại gần Liên minh châu Âu (EU) để tìm kiếm đối tác thương mại ổn định.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Khi Mỹ chọn con đường đơn phương và làm rúng động các thị trường toàn cầu bằng làn sóng thuế quan mới, EU nhanh chóng tận dụng cơ hội để khẳng định vị thế của một khối thương mại tự do lớn và sẵn sàng hợp tác.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết ngày càng có nhiều quốc gia tiếp cận Brussels như một đối tác thương mại có độ tin cậy cao, không thay đổi lập trường một cách đột ngột. Bà nhận định trong bối cảnh môi trường toàn cầu ngày càng khó đoán định, các nước đang xếp hàng để làm việc với EU.
Tình thế này mang lại lợi thế lớn cho các quốc gia có xu hướng tự do hóa thương mại trong EU, như Thụy Điển, các nước Bắc Âu và vùng Baltic - những bên vốn thường xuyên mâu thuẫn với các quốc gia bảo hộ hơn như Pháp. Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Benjamin Dousa cho biết tại cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại EU ở Luxembourg: "Có một cảm giác cấp bách trong nội bộ các nước thành viên rằng cần nhanh chóng mở ra những tuyến thương mại mới và ký kết các hiệp định thương mại tự do".
Theo dự báo, chính sách thuế của ông Trump - với mức thuế 10% với hầu hết các quốc gia, 25% với thép, nhôm và ô tô, và 145% với hàng hóa Trung Quốc - có thể khiến thương mại toàn cầu giảm tới 3 điểm phần trăm trong năm nay. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 0,2% và con số này có thể lên tới 1,5% nếu Mỹ tái áp đặt mức thuế đối ứng đối với EU ở mức 20%, hiện đang được tạm hoãn 90 ngày để đàm phán.
Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu đang tăng tốc ký kết các hiệp định thương mại. Chỉ trong vài tháng gần đây, Brussels đã kết thúc đàm phán kéo dài hàng thập kỷ với khối Mercosur, Mexico và Thụy Sĩ; đồng thời nối lại đàm phán với Malaysia và mở rộng tiếp xúc với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Chủ tịch Ursula von der Leyen cam kết hoàn tất hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ trong năm nay và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - khối thương mại bao gồm nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Anh mới gia nhập gần đây. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tại Australia vào ngày 3/5 tới có thể mở ra cơ hội tái khởi động tiến trình đàm phán sau khi hai bên thất bại vào cuối năm 2023.
Người đứng đầu bộ phận thương mại của Ủy ban châu Âu, ông Jean-Luc Demarty, cho rằng chính sách của ông Trump đang buộc các quốc gia phải tìm cách phát triển quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới, đồng thời thúc đẩy số lượng các hiệp định thương mại tự do tăng mạnh.
Ngay cả những nước EU vốn thận trọng trong việc mở cửa thị trường như Pháp, Bỉ hay Áo cũng đang dần thay đổi quan điểm, coi các thỏa thuận thương mại không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn là đòi hỏi địa - chính trị. Một ví dụ điển hình là Pháp - quốc gia từng bác bỏ mạnh mẽ hiệp định thương mại EU - Mercosur vì lo ngại chính trị và kinh tế - nay đang lặng lẽ điều chỉnh lập trường.
Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Marie-Pierre Vedrenne, thành viên đảng Modem của Thủ tướng Pháp Francois Bayrou, cho rằng không nên duy trì lập trường cứng rắn đối với hiệp định Mercosur - một thỏa thuận đã được đàm phán trên nền tảng các điều kiện tổng thể tương đối thuận lợi. Theo bà, châu Âu cần thay đổi tư duy nếu không muốn bị tụt lại phía sau trong quá trình phát triển toàn cầu.
Quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ hiện là lớn nhất thế giới, với kim ngạch hai chiều đạt 1.600 tỷ euro. Tuy nhiên, các rào cản từ chính sách thuế của Mỹ khiến EU phải tìm kiếm những đối tác mới. Dù đã có các cuộc thảo luận với Trung Quốc để xem xét thiết lập lại quan hệ, khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai bên vẫn là rất thấp.
Sự thay đổi hiện nay gợi nhớ đến nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi lập trường cứng rắn của ông đối với tự do thương mại đã khiến nhiều quốc gia từng do dự buộc phải điều chỉnh quan điểm. Ông Jean-Luc Demarty cho rằng sau nhiều năm đàm phán không thành công với Mỹ, việc nối lại các cuộc thương thảo về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, bởi các yêu cầu từ chính quyền Mỹ hiện nay không phù hợp với các tiêu chuẩn về môi trường và nhân quyền của Liên minh châu Âu.
Bên cạnh đó, EU cũng bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp siết thuế của Mỹ có thể khiến hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc bị dồn sang thị trường châu Âu, gây áp lực lên sự ổn định của thị trường nội khối. Trước nguy cơ này, nhiều ý kiến trong EU đã kêu gọi tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Dù Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã có cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng trong tuần qua với kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa hai bên hiện vẫn chưa được xem là thực tế. Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz đang kêu gọi EU và Mỹ cùng hướng đến mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, tuy nhiên triển vọng đạt được bước đột phá trong ngắn hạn vẫn còn rất mong manh.