ECB có thêm động lực để cắt giảm lãi suất
Các nhà đầu tư hiện đã đặt cược ECB sẽ cắt giảm lãi suất bốn lần trong năm 2025, song lần cắt giảm thứ tư vẫn còn rất khó đoán.
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có lẽ đang thở phào nhẹ nhõm khi chính quyền mới của Mỹ không áp đặt các mức thuế quan thương mại trên diện rộng như một số người lo ngại. Điều này mở ra cơ hội cho ECB cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tuần tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không áp đặt các rào cản thương mại ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức hôm 20/1. Thậm chí, những lời đe dọa của ông cũng không nhắm vào châu Âu, khiến đồng euro tăng giá, giá dầu giảm, lợi suất trái phiếu giảm và củng cố thêm những dự đoán rằng ECB có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Trong những tuần gần đây, các nhà đầu tư tài chính đã hạ kỳ vọng về việc ECB cắt giảm lãi suất do lo ngại rằng đồng USD mạnh, chi phí năng lượng tăng và các biện pháp trả đũa thương mại từ EU sẽ đẩy lạm phát trong nước tăng cao, gây thêm khó khăn cho những nỗ lực của ngân hàng nhằm đưa lạm phát trở lại mức 2%.
Các nhà đầu tư đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, bao gồm cả việc công bố áp thuế quan. Tuy nhiên, họ đã cảm thấy nhẹ nhõm khi ngay cả những phát biểu của ông Trump cũng chủ yếu tập trung vào Mexico, Canada và Trung Quốc.
Chuyên gia Mohit Kumar tại Jefferies nhận định hầu hết các bình luận đều liên quan đến chính sách “Nước Mỹ trên hết”, nhưng những bình luận ban đầu có vẻ bớt căng thẳng hơn so với những gì thị trường lo sợ. Theo ông Kumar, ECB sẽ vẫn cắt giảm lãi suất, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm trong tháng 1 và 3/2025. Sau đó, nếu dữ liệu phù hợp với kỳ vọng, ECB có thể cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 6/2025.
Các nhà đầu tư hiện đã đặt cược ECB sẽ cắt giảm lãi suất bốn lần trong năm 2025, song lần cắt giảm thứ tư vẫn còn rất khó đoán.
Đà tăng giá không ngừng của đồng USD kể từ cuộc bầu cử ở Mỹ trong tháng 11/2024 là lý do tại sao kỳ vọng của thị trường lại thay đổi nhiều đến vậy. Sức mạnh của đồng tiền này có nguy cơ thúc đẩy lạm phát ở châu Âu, chủ yếu là do năng lượng được giao dịch bằng đồng USD và các biến động tỷ giá hối đoái sẽ ngay lập tức thể hiện trong chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình.
Chỉ số đồng USD hiện đã giảm 1,3% so với mức đỉnh của tuần trước và có thể vẫn chưa chạm đáy.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn nhận thức rõ rằng chính sách có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào dưới thời ông Trump. Năm 2019, ông đã chỉ trích Chủ tịch ECB lúc đó là ông Mario Draghi vì các biện pháp kích thích tiền tệ của ông, khi nói rằng điều này "khiến các công ty châu Âu cạnh tranh với các đối thủ Mỹ một cách không công bằng.
Tuy vậy, một số nhà kinh tế cho rằng ECB chắc chắn sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, ngay cả khi ông Trump cứng rắn hơn đối với EU, khối đã có thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong nhiều năm.
Việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa EU có thể không chỉ gây lạm phát do tăng chi phí nhập khẩu mà còn có thể gây ra một tác động giảm phát mạnh hơn do suy yếu tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, tác động chung của thuế quan lên EU có thể là làm cho giá cả giảm xuống thay vì tăng lên. Điều này cũng giải thích tại sao một số nhà kinh tế cho rằng ECB có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất, ngay cả khi Mỹ áp thuế quan lên EU, vì nguy cơ giảm phát sẽ cao hơn nguy cơ lạm phát.