Nên xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm công nghệ tài chính
Theo PGS.TS. NGUYỄN HỮU HUÂN, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cần xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) tại TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế và có các cơ chế sandbox như cho phép giao dịch bằng đồng tiền mã hóa (bitcoin, crypto…) để tạo sự khác biệt, hấp dẫn so với các IFC khác.
Dòng tiền được tự do luân chuyển là yếu tố tiên quyết
- Theo ông, Việt Nam có những lợi thế nào để thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế?
- Dù là nước đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới, song chúng ta đang có những lợi thế đáng kể trong thành lập các IFC. Trong đó, tôi cho rằng, lợi thế chủ yếu là về chi phí. Những IFC của Singapore, Dubai, Hong Kong (Trung Quốc)… có chi phí giao dịch khá cao. Chẳng hạn, tại Singapore, nếu mở tài khoản ngân hàng cần ký quỹ lên tới 100.000 - 200.000 USD; tất cả giao dịch thanh toán, chuyển tiền liên quan ngân hàng, hệ thống tài chính có phí giao dịch rất cao. Trong khi ở Việt Nam, các mức phí này rất thấp, phí chuyển tiền tiệm cận 0, cũng không yêu cầu tài khoản tối thiểu trong ngân hàng là bao nhiêu, tức chi phí hoạt động ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các IFC trên thế giới.
Về hệ thống tài chính, đặc biệt là hệ thống ngân hàng của nước ta, được đánh giá vào loại tốt trong khu vực cả về chuyển đổi số và tự động hóa, cạnh tranh được với các nước khác.
Việt Nam cũng có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, là trung tâm ASEAN và châu Á, nằm trên tuyến đường giao thương của thế giới với 80% hàng hóa qua biển Đông, lại có các cảng biển lớn như Cái Mép - Thị Vải trong top đầu thế giới. Thông thường, các IFC thành lập gắn kết với cảng trung chuyển quốc tế cả về hàng không lẫn hàng hải. Tới đây, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động với quy mô lớn nhất ASEAN sẽ tạo lợi thế nhất định để xây dựng IFC tại TP. Hồ Chí Minh. Những lợi thế đó sẽ giúp Việt Nam tạo ra sự cạnh tranh để phát triển ngang tầm các IFC đã thành lập.
- Như ông chỉ ra, chúng ta đang có những lợi thế nhất định trong thành lập IFC, song đây vẫn là mô hình rất mới mẻ ở nước ta. Theo hình dung của ông, IFC của Việt Nam sẽ như thế nào?
- Nếu chúng ta làm theo mô hình của các nước thì sẽ rất khó cạnh tranh. Do vậy, Việt Nam cần phải có sự khác biệt. Tôi đề xuất IFC của ta phải trở thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế, phải là sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ; phải có các cơ chế sandbox để cho các công ty công nghệ khởi nghiệp sẽ sáng tạo hơn về những sản phẩm tài chính; mức độ tự do hóa của IFC Việt Nam phải cao so với các IFC khác.
Cụ thể, IFC TP. Hồ Chí Minh phải là trung tâm khu tài chính tự do. Ở đó, dòng tiền phải được tự do lưu chuyển. Tuy nhiên, thực tế thì đây đang là vấn đề khó nhất với chúng ta hiện nay, bởi theo quy định để chống “đô la hóa”, vốn nước ngoài vào Việt Nam buộc phải chuyển sang đồng Việt Nam, điều này làm giảm sức hấp dẫn của thị trường tài chính. Trong khi ở Singapore, Dubai… đều chấp nhận đồng USD. Do vậy, khi thành lập IFC, yếu tố tiên quyết là phải để cho dòng tiền được tự do luân chuyển, tiền gửi ngân hàng hay bất cứ giao dịch nào ở đây cũng đều phải được sử dụng cả đồng Việt Nam lẫn USD. Thị trường chứng khoán cũng cần cho phép niêm yết cả bằng USD, khi đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vốn vào Việt Nam và không còn rào cản phải chuyển sang đồng Việt Nam. Nếu không giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ không thể có IFC đúng nghĩa.
Bên cạnh việc cho phép giao dịch bằng đồng tiền mạnh trên thế giới như USD, Euro, chúng ta cũng cần phải có cơ chế sandbox để cho các đồng tiền như bitcoin, crypto được giao dịch, như thế mới tạo ra sự khác biệt với các IFC hiện tại (đã chấp nhận đồng USD nhưng chưa công nhận bitcoin và crypto). Do vậy, nếu Việt Nam cho phép thanh toán bằng các đồng tiền đó và cho phép giao dịch xuyên biên giới sẽ tạo ra sự khác biệt giữa IFC của Việt Nam với thế giới.
- Ông nghĩ sao về việc dòng tiền tự do lưu chuyển cũng dẫn tới rủi ro?
- Tất nhiên, điều này sẽ có rủi ro về tấn công tiền tệ như đã xảy ra năm 1997 ở các nước Đông Nam Á. Muốn phòng tránh thì dòng tiền trong nước đổ vào trung tâm này phải được kiểm soát chặt chẽ, giống như đầu tư ra nước ngoài. Tức là cần có lớp màng bảo vệ và trung tâm này phải tương đối tách biệt với phần còn lại của Việt Nam để tránh bị tấn công tiền tệ, có tự do nhưng là “tự do trong khuôn khổ”. Đồng thời, phải tránh biến trung tâm này thành nơi rửa tiền của tội phạm xuyên biên giới, tức là phải kiểm soát để chống rửa tiền.
Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy, họ chấp nhận tự do hóa trong lựa chọn loại tiền tệ giao dịch tại IFC Hong Kong. Song, dòng vốn từ Trung Quốc muốn đưa vào đây thì phải chịu sự kiểm soát tương tự như dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Nhờ được độc lập tương đối như vậy, trung tâm tài chính Hong Kong đã trở thành kênh huy động vốn chủ yếu, cung cấp tới 70% nguồn đầu tư cho sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.
Sớm xác định rõ mô hình
- Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực đang được đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra động lực lớn để thúc đẩy đất nước phát triển. Hiện, Chính phủ đã thông qua Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15.11.2024, trong đó nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Ông có đề xuất gì để đẩy nhanh quá trình xây dựng các trung tâm này?
- Để xây dựng IFC và khu vực, điều quan trọng là phải sớm xác định rõ mô hình như thế nào, xây dựng thị trường tài chính ra sao? Trong thị trường tài chính đó có thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh, tín chỉ carbon, thị trường vàng vật chất, vàng tín chỉ… liên kết với nhau như thế nào, giao dịch bằng đồng tiền nào, do cơ quan nào quản lý, có trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không hay trực thuộc Ban chỉ đạo/Ban quản lý của Trung tâm tài chính? Thị trường tài chính này có tách biệt với thị trường trong nước hay là một phần của thị trường trong nước, liên kết với nhau thế nào? Phải trả lời rõ các câu hỏi đó chúng ta mới định hình rõ được trung tâm tài chính mà chúng ta muốn xây dựng, từ đó có các quy định, chính sách đi kèm tương ứng.
Như trên tôi đã đề xuất, IFC của ta phải trở thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế, phải là sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ. Với trung tâm công nghệ tài chính, cần phải đầu tư xây dựng về hạ tầng công nghệ nhiều hơn. Phải tập trung cho công nghệ và xây dựng trung tâm chuyên nghiệp về mặt công nghệ mới đủ sức hấp dẫn nước ngoài. Do đó, Việt Nam cần có sự tư vấn của các thị trường chứng khoán lớn, như New York hoặc London, hoặc mua hạ tầng công nghệ của họ để bảo đảm giao dịch thông suốt và sản phẩm trên thị trường phải thực sự đa dạng, có sự kết hợp của fintech chứ không phải chỉ có các sản phẩm truyền thống.
- Xin cảm ơn ông!
TS. Cấn Văn Lực
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cần lưu ý 3 vấn đề then chốt trong quá trình triển khai trung tâm tài chính.
Một là, cần xác định cách tiếp cận phù hợp đối với chính sách tự do hóa tài khoản vốn, đòi hỏi phải có đánh giá toàn diện về ưu điểm, nhược điểm, các rủi ro tiềm ẩn và biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả.
Hai là, vấn đề liên quan đến khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm tính linh hoạt và hội nhập của trung tâm tài chính trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Ba là, giao dịch tài chính hiện nay và trong tương lai chủ yếu diễn ra dưới hình thức số hóa và điện tử. Do đó, việc thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất cần được tính toán kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu về tính hiện đại và hiệu quả.
Ngoài ra, cần quan tâm phát triển thị trường phái sinh (gồm cả phái sinh tài chính và phái sinh hàng hóa); và kiểm soát rủi ro (nhất là rủi ro tội phạm tài chính, công nghệ tài chính và rửa tiền…).