Đẩy mạnh các kênh phát triển hàng Việt

Trong thời gian qua, huyện Long Thành tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền sử dụng hàng Việt đến với người dân; tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan trong tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại; phát triển các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam trên địa bàn…

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 264 tỉnh khảo sát thực tế tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty CP Domilk (huyện Long Thành). Ảnh: H.Quân

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 264 tỉnh khảo sát thực tế tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty CP Domilk (huyện Long Thành). Ảnh: H.Quân

Theo Ban Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (gọi là Ban Vận động 264) huyện Long Thành. Tính đến tháng
12-2024, toàn huyện có 28 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao và 7 sản phẩm đang trình cơ quan chức năng để chờ được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Triển khai nhiều hoạt động kết nối hàng Việt

Hệ thống thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện diễn ra khá sôi động, mạng lưới thương mại bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng được củng cố và ngày càng mở rộng về quy mô kinh doanh, mẫu mã hàng hóa đa dạng, phong phú, góp phần giúp địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển các hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu hàng Việt.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Thành, Trưởng ban Vận động 264 huyện Long Thành Lê Thị Thanh Nguyệt chia sẻ, thời gian qua, Ban Vận động 264 huyện đã triển khai các hoạt động tuyên truyền từ người tiêu dùng đến người sản xuất, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong thói quen mua sắm, sử dụng của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng Việt Nam bằng các hình thức chương trình bán hàng Việt và thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, băng-rôn tuyên truyền, sinh hoạt trực tiếp chi, tổ hội, sinh hoạt tổ nhân dân, hoạt động của các Công đoàn cơ sở… để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với tuyên truyền các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP để thông báo, công bố rộng rãi đến người dân.

Từ việc đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương đã dần khẳng định được thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động giúp cho các chủ thể hiểu được ý nghĩa của việc tham gia chương trình. Từ đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của địa phương đã chủ động hơn trong việc phát triển sản phẩm OCOP.

Hàng năm, địa phương còn phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn về OCOP, giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và triển khai Cuộc thi Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh đối với chủ thể và cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn.

Trong đó, huyện đã phối hợp với Sở Công thương triển khai xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở các xã Cẩm Đường và Bàu Cạn. Song song đó, huyện còn có các sản phẩm đề cử tham gia hội nghị tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Đồng Nai gồm: nấm mối đen xã Cẩm Đường, sầu riêng xã Bình An và Bình Sơn. Đây là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được chọn khảo sát, đề cử tham gia. Qua đó, đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện, hàng Việt Nam có chất lượng để quảng bá, tiêu thụ.

Đặc biệt, huyện còn tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các kênh quảng bá, giới thiệu cho các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của địa phương.

Giám đốc Công ty CP Domilk (huyện Long Thành) Nguyễn Thị Thanh Thanh chia sẻ, công ty đang phát triển 13 dòng sản phẩm bánh kẹo được chế biến từ sữa, với nhiều sản phẩm đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm OCOP. Thời gian qua, công ty đã được địa phương và các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ kết nối để tham gia nhiều hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại.

Thông qua các chương trình, hội chợ kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện để công ty quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển các thị trường tiềm năng. Song song đó, công ty còn chủ động triển khai các kênh tiếp thị, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

“Việc được công nhận đạt chuẩn OCOP giúp cho sản phẩm của công ty nâng cao giá trị cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi hơn để sản phẩm được quảng bá, giới thiệu đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả” - bà Thanh nhấn mạnh.

Mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, đa dạng các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, vấn đề kết nối tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP, thúc đẩy các kênh thương mại điện tử, tăng cường các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cũng là vấn đề địa phương cần quan tâm triển khai.

Đơn cử, trong năm 2024, nhằm giúp nông dân trên địa bàn huyện quảng bá, tiêu thụ hàng hóa bằng các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ hội nông dân các xã, thị trấn kết nối đưa sản phẩm nông nghiệp Việt tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart, đến nay đã có 20 sản phẩm đã được đưa lên sàn tiêu thụ.

Vào tháng 12-2024, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh do đại diện Sở Công thương làm trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện chương trình OCOP tại huyện Long Thành.

Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Đặng Trần Nhật Thoại chia sẻ, trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chí đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP; thúc đẩy các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại.

Đồng thời, địa phương và các chủ thể OCOP cần chú trọng vấn đề bảo hộ nhãn hiệu; mở rộng phát triển thị trường, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử đối với các sản phẩm OCOP của địa phương…

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/day-manh-cac-kenh-phat-trien-hang-viet-8816483/
Zalo