Ðể đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2024 với chủ đề 'Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc' thể hiện quyết tâm thực hiện công tác dân số theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Chủ đề năm nay mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với tầm chiến lược về phát triển và ổn định nguồn lực.
Theo nghiên cứu của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), với dân số vượt 100 triệu người, hiện Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Các kết quả từ nghiên cứu của Tổng cục Thống kê phối hợp cùng UNFPA cho thấy Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “dân số vàng”, có nghĩa là mỗi người phụ thuộc được hỗ trợ bởi hai người trong độ tuổi lao động.
Tuy nhiên, dân số Việt Nam đã bắt đầu già hóa từ năm 2011 và đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có dân số già vào năm 2036. Sự chuyển đổi từ một xã hội trẻ thành một xã hội già có nhiều tác động sâu rộng, mà giải pháp cho sự thay đổi này sẽ là tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách tạo việc làm bền vững, cũng như tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là đối với dân số cao tuổi, hỗ trợ phụ nữ duy trì tham gia thị trường lao động và đầu tư vào y tế và giáo dục.
Tại Tuyên Quang, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển được đẩy mạnh, tạo chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức về công tác dân số, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Năm 2024, kết quả thực hiện các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số tại Tuyên Quang có tiến bộ đáng kể so với cùng kỳ năm trước: Tỷ số giới tính khi sinh 110,6 bé trai/100 bé gái (giảm so với năm 2023: 112 bé trai/100 bé gái); tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai 21.846/34.360 ca, đạt 63,6% kế hoạch năm; số người tảo hôn năm 2024 là 78 người, giảm 54 người so với năm 2023, năm 2024, không có trường hợp kết hôn cận huyết thống trên địa bàn toàn tỉnh; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 70% (tăng 3% so với năm 2023); tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 7.285/6.400 ca, đạt 113,8% kế hoạch năm; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh là 3.664/4.060 ca, đạt 90,2% kế hoạch năm…
Các địa phương, đơn vị y tế trong tỉnh cũng đã tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số, tăng cường tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn; hỗ trợ công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đẩy mạnh kiểm soát mất cân bằng giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS); thực hiện tốt công tác chăm sóc người cao tuổi, nhằm thích ứng với già hóa dân số...
Ông Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương cho biết, để thực hiện hiệu quả mục tiêu “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên chưa kết hôn và các cặp vợ chồng chưa sinh đủ 2 con về lợi ích của việc sinh đủ 2 con, vận động không kết hôn muộn, không sinh con muộn và sinh đủ 2 con. Ðồng thời, nhân rộng mô hình hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình nhằm thực hiện hiệu quả mô hình phòng tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng, phát triển mạng lưới hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Theo bác sĩ Đào Hồng Tư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chỉ đạo sát sao của ngành cũng như sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian tới, công tác dân số tiếp tục hướng tới mục tiêu giảm sinh nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.
Tháng 12, Tháng Hành động Quốc gia về dân số, dịp để nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng công tác dân số. Dân số khỏe mạnh, trí tuệ, có kỹ năng, sẽ tạo nên nền tảng vững chắc để xây dựng gia đình hạnh phúc và đất nước phát triển bền vững.