Nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác lao động, người có công và xã hội
Nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác lao động, người có công và xã hội đã được điểm lại tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
Sáng 27-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tới dự và phát biểu tại hội nghị.
Thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp
Đánh giá tình hình thực hiện năm 2024 và 5 năm 2021-2025; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và định hướng phát triển giai đoạn 2026-2030 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Quán triệt phương châm điều hành của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh” của Chính phủ, Bộ đã tập trung chỉ đạo, điều hành, và tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Kết quả nổi bật là ngành đã hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đã tham mưu xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với tỷ lệ 93,42%, với 14 nội dung lớn mang tính cải cách.
Ngành đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...
Cùng với đó, việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh. Đời sống của người người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác dần được cải thiện, nâng cao, qua đó góp phần bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Ước thực hiện năm 2024 đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%. Cả năm đưa khoảng 150 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch. Lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,76 triệu người, tăng 1,95 triệu người so với năm 2020.
Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, các giải pháp phát triển đối tượng tham gia được đẩy mạnh thực hiện. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ước tính đến hết tháng 12-2024, đối tượng tham gia BHXH đạt khoảng 20,1 triệu người, chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: BHXH bắt buộc đạt khoảng 17,8 triệu người, BHXH tự nguyện đạt hơn 2,3 triệu người), tăng trên 4 triệu người so với năm 2020 (trong đó: BHXH bắt buộc tăng 2,76 triệu người, BHXH tự nguyện tăng trên 1,28 triệu người).
Tính đến hết tháng 11-2024, số người tham gia BHTN ước đạt 15,8 triệu người, chiếm khoảng 33% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 2,5 triệu người so với năm 2020.
Tính đến ngày 18-12-2024, có 2.208.569 người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 900.773 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2023; 883.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2023; 23.205 người được hỗ trợ học nghề, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023…
Sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm vận hành tốt hơn hệ thống an sinh xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, trong hành trình xây dựng và phát triển, mọi hoạt động của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đều gắn rất nhiều với tình thương, với lòng nhân, vì con người, gắn với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là tình tương ái tương thân, nhân văn nghĩa tình và lịch sử phát triển của đất nước trong thời đại mới.
Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành nghiêm túc chấp hành, thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy trong bối cảnh thời gian gấp gáp. Mô hình hoạt động dù có thay đổi, nhưng toàn bộ hệ thống an sinh xã hội, các lĩnh vực công tác lao động, người có công và xã hội luôn được duy trì, chuyển giao, vận hành và phát triển tốt hơn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu trước mắt, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tập trung thực hiện tốt công tác chăm sóc các đối tượng chính sách dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chuẩn bị thực hiện tốt hội nghị trực tuyến xóa nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, tổ chức tuyên dương những tấm gương thầm lặng toàn quốc...
Bày tỏ niềm tự hào về bề dày lịch sử và sự đóng góp nhiều ý nghĩa của ngành trong tiến trình xây dựng đất nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, có những giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình. Thời gian tới, toàn ngành cần chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc tổ chức sắp xếp bộ máy, bảo đảm tất cả công việc của ngành dù thay đổi về mô hình hoạt động, nhưng vẫn thực thi công tác lao động, người có công và xã hội ngày càng tốt hơn. Toàn ngành phấn đấu hoàn thành tốt công việc, lan tỏa tiếng thơm trong công tác an sinh xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.