Duy trì ưu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại có những động thái leo thang dữ dội, Bắc Kinh đang thực hiện các biện pháp toàn diện để thắt chặt kiểm soát đối với các công nghệ tiên tiến, khoáng sản quan trọng và lực lượng lao động lành nghề của mình; các chuyên gia nhận định, những nỗ lực này nhằm bảo vệ các công nghệ hàng đầu cũng như duy trì vai trò trung tâm của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các biện pháp mới nhất của Bắc Kinh bao gồm các hạn chế xuất khẩu mới đối với các công nghệ pin quan trọng, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc chuyển giao các phương pháp chế biến khoáng sản, tăng cường giám sát việc di chuyển của các kỹ sư và thiết bị công nghiệp. Các chính sách này được công bố thông qua các thông báo của bộ và các nguồn tin trong ngành, nhấn mạnh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo vệ những tiến bộ công nghệ tiên tiến của mình khỏi các đối thủ cạnh tranh toàn cầu.
Những biện pháp này được đưa ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thêm thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nêu lên những lo ngại về thương mại đối với ngành xe điện (EV) của Trung Quốc.
Kiểm soát nguồn nhân lực và thiết bị công nghiệp
Thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn đối với việc xuất cảnh của các kỹ sư và trang thiết bị phục vụ sản xuất trong nhiều ngành công nghệ; đồng thời thắt chặt quy định xuất khẩu những mặt hàng nguyên vật liệu thô, bao gồm đất hiếm. Ngay cả chính những công nghệ hiện đại nhất để tinh luyện những loại khoáng sản quan trọng của ngành công nghệ toàn cầu cũng bị kiểm soát.
Theo Financial Times, những hạn chế này đã tác động đến các công ty toàn cầu lớn, bao gồm Foxconn - đối tác lớn nhất trong chuỗi cung ứng thiết bị công nghệ của Apple. Tập đoàn này đang dẫn đầu xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Ấn Độ, đã phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc chuyển máy móc và các nhà quản lý kỹ thuật giàu kinh nghiệm của Trung Quốc sang các hoạt động tại Ấn Độ. Các nguồn tin cho biết, các quan chức Trung Quốc đã khiến các công ty ngày càng khó khăn trong việc chuyển các nguồn lực sản xuất thiết yếu ra nước ngoài, đặc biệt là đến Ấn Độ.

Trung Quốc thắt chặt kiểm soát công nghệ, khoáng sản và kỹ sư trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang
Những hạn chế không chỉ giới hạn ở Foxconn, các nhà sản xuất thiết bị điện tử khác của Đài Loan (Trung Quốc) cũng gặp phải trở ngại trong việc xuất khẩu thiết bị từ Trung Quốc sang các cơ sở của họ tại Ấn Độ, mặc dù các lô hàng đến Đông Nam Á được cho là không bị ảnh hưởng. Cách tiếp cận có chọn lọc này cho thấy Bắc Kinh đặc biệt nhắm vào Ấn Độ - một trong những đối thủ địa chính trị và kinh tế chính của mình - trong khi vẫn duy trì luồng thương mại tương đối cởi mở với các khu vực khác như Đông Nam Á và Trung Đông.
Việc siết chặt các biện pháp kiểm soát diễn ra trong bối cảnh những tranh chấp thương mại quốc tế có thể khiến nhiều tập đoàn tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất ra bên ngoài. Trong đó, một số công ty lớn đang tìm kiếm cơ hội mở rộng sang các thị trường khác, nhưng vấp phải nhiều trở ngại trong việc điều chuyển công nghệ và nhân lực.
Siết chặt kiểm soát khoáng sản chiến lược
Ngoài sản xuất, Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp kiểm soát ngày càng chặt chẽ đối với các công nghệ quan trọng trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây đã đề xuất các hạn chế mới đối với công nghệ liên quan đến khai thác lithium và sản xuất vật liệu pin tiên tiến - hai lĩnh vực mà Trung Quốc nắm vị trí thống lĩnh. Một chuyên gia tại một viện nghiên cứu quốc tế về Trung Quốc nhận định, chính sách mở rộng này nhằm mục đích duy trì vị thế trung tâm của Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những biện pháp mới tập trung vào những mắt xích quan trọng đầu chuỗi cung ứng, nơi các doanh nghiệp nội địa kiểm soát nguyên liệu thô và quy trình công nghệ, trong khi sản phẩm cuối cùng vẫn phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Việc kiểm soát xuất khẩu trong ngành pin đại diện cho một hình thức điều tiết mới, có thể ảnh hưởng đến các tập đoàn đang tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng ra nước ngoài.
Ngoài ngành pin và Lithium, Bắc Kinh cũng đã dần mở rộng các biện pháp kiểm soát đối với một số vật liệu và khoáng sản chiến lược khác, chẳng hạn như bổ sung các quy định xuất khẩu đối với một số nguyên tố quan trọng, bao gồm đất hiếm, Vonfram và Tellurium. Những hạn chế này hiện không chỉ hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn hạn chế công nghệ cần thiết để khai thác, tinh chế và chế biến chúng, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Financial Times, khi Bắc Kinh tiếp tục khẳng định quyền kiểm soát đối với các vật liệu chiến lược, các nhà sản xuất toàn cầu phải điều hướng trong bối cảnh thương mại đang thay đổi nhanh chóng. Các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc báo hiệu nỗ lực có chủ đích nhằm duy trì vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các công ty phải xem xét lại cách thức và địa điểm họ tìm nguồn cung ứng vật liệu và công nghệ quan trọng.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Đại diện của một công ty sản xuất pin lớn tại khu vực Đông Á bày tỏ mối quan ngại với Bộ Thương mại Trung Quốc về khả năng các biện pháp mới có thể ảnh hưởng đến quan hệ đối tác; nếu các hạn chế được áp dụng, các đối tác nước ngoài có thể chỉ tiếp cận được những công nghệ đã có trên thị trường, thay vì những đột phá mới nhất.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng, nếu các biện pháp kiểm soát này được thực thi đầy đủ, các công ty sản xuất pin khổng lồ của Trung Quốc như CATL, vốn điều hành các nhà máy ở châu Âu, có thể gặp khó khăn trong việc chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng của mình ra nước ngoài. Thay vào đó, họ có thể buộc phải tiếp tục nhập khẩu lithium iron phosphate (LFP) tiên tiến và các vật liệu pin quan trọng khác từ Trung Quốc, hạn chế khả năng phát triển chuỗi cung ứng độc lập của các nhà sản xuất nước ngoài.
Hơn nữa, các hạn chế được đề xuất cũng có thể làm gián đoạn các nỗ lực toàn cầu nhằm đa dạng hóa sản xuất lithium. Quy định giới hạn xuất khẩu công nghệ khai thác lithium được đề xuất chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới những dự án của CATL đang xây dựng ở Mỹ và khu vực Nam Mỹ. Một nguồn tin cho biết, CATL sẽ cần đăng ký giấy phép đặc biệt để sử dụng công nghệ mà chính họ đã tạo ra để áp dụng cho dự án trị giá 1,4 tỷ USD khai thác lithium tại mỏ muối Bolivia.
Theo các chuyên gia, những hạn chế mới này sẽ khiến các công ty phương Tây càng khó xây dựng hệ sinh thái công nghiệp độc lập hơn, vì Trung Quốc vẫn gần như độc quyền đối với các vật liệu và công nghệ chế biến cần thiết cho sản xuất công nghệ cao.
Các chuyên gia tin rằng, chiến lược cuối cùng của Bắc Kinh là duy trì vai trò trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong khi chống lại các nỗ lực của phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc; bà Antonia Hmaidi, một nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho biết: “Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng kiểm soát xuất khẩu lớn và khá thận trọng trong việc lựa chọn kiểm soát những gì họ muốn. Thay vì hạn chế các sản phẩm hoàn thiện, Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu vào các phân khúc chuỗi cung ứng thượng nguồn, nơi các công ty Trung Quốc thống trị cả nguồn tài nguyên vật liệu và quy trình công nghệ".
Hơn nữa, giới quan sát cho rằng, trong khi Trung Quốc từ lâu đã chỉ trích các hạn chế của Mỹ và châu Âu đối với lĩnh vực công nghệ của mình là rào cản thương mại không công bằng, thì việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu của họ lại đang phản ánh chính các chính sách mà họ phản đối.
Khi các biện pháp này có hiệu lực, các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và năng lượng, có khả năng phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong việc bảo đảm các nguồn lực quan trọng, làm trầm trọng thêm cuộc chiến thương mại đang diễn ra và làm sâu sắc thêm sự phân mảnh của chuỗi cung ứng toàn cầu.