Đường vành đai 3 trên cao quá tải: Có nên hạn chế phương tiện theo giờ?

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tuyến vành đai 3 hiện quá tải gấp từ 3 - 5 lần thiết kế ban đầu. Do đó, để giảm tải cho tuyến đường này, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng cần hạn chế phương tiện theo giờ.

Quá tải gấp 3-5 lần thiết kế ban đầu

Hiện Hà Nội đang có 7 tuyến đường vành đai phục vụ giao thông cả nội bộ lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có tuyến vành đai 3 gần như hoàn thiện với cả cầu cạn trên cao lẫn dưới thấp.

Chính vì vậy, không chỉ lượng phương tiện di chuyển trong nội bộ thành phố mà cả xe liên tỉnh đi - đến Thủ đô lẫn xe quá cảnh đều đổ dồn vào tuyến đường này.

Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, tuyến vành đai 3 hiện quá tải gấp từ 3 - 5 lần thiết kế ban đầu; đoạn tuyến trên cao từ Mai Dịch - cầu Thanh Trì quá tải gấp 4 - 5 lần; riêng cầu Thanh Trì quá tải gấp 8 lần.

Vành đai 3 trên cao thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Vành đai 3 trên cao thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, vành đai 3 đã không còn là đường tránh trung tâm thành phố nữa mà trở thành cao tốc đô thị, xuyên tâm thành phố, đi qua những quận, huyện rất đông dân cư, mật độ giao thông cao như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì.

Đặc biệt, đoạn tuyến cầu cạn vành đai 3 nêu trên lại có rất nhiều nhánh lên xuống, kết nối trực tiếp với các tuyến đường cũng đang quá tải như Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng…

Mặt khác, các nhánh đường gom được đấu trực tiếp vào trước một số nút giao lớn, cùng với mật độ phương tiện quá dày đã tạo nên những điểm nghẽn do xung đột giao thông, quá tải hạ tầng.

Trong bối cảnh đó, 6 tuyến đường vành đai khác của Hà Nội lại chưa hỗ trợ được gì nhiều cho vành đai 3. Vành đai 1; 2,5; 3,5 đều đang vướng mắc giải phóng mặt bằng, đứt đoạn, không phát huy được hiệu quả. Vành đai 4 đang trong quá trình thi công đường đô thị song hành, tuyến chính cao tốc chưa được khởi công, dự kiến còn nhiều năm nữa mới hoàn tất để mở hướng, đẩy lưu lượng giao thông quá cảnh ra xa khu vực trung tâm phía Nam và Tây Nam thành phố. Trong khi phần lớn Vành đai 5 vẫn đang nằm trên bản đồ quy hoạch.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, nếu Hà Nội không có phương án nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại giao thông trên tuyến vành đai 3, đặc biệt là đoạn cầu cạn từ Mai Dịch - cầu Thanh Trì, nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ ngày càng trầm trọng hơn, lan ra cả các khu vực hai bên tuyến.

Cần hạn chế phương tiện theo giờ

Để vành đai 3 đỡ quá tải, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, thành phố có thể nghiên cứu hạn chế một số loại phương tiện giao thông, chỉ cho phép lưu thông theo giờ để giảm tải cho vành đai 3.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông TS Vũ Hoàng Chung cũng cho rằng, hiện nay nhiều tuyến đường vành đai của Hà Nội vẫn chưa hoàn thành đồng bộ, vì vậy, tuyến đường vành đai 3 thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, khiến việc lưu thông gặp nhiều khó khăn.

"Theo tôi, thời gian tới Hà Nội có thể nghiên cứu hạn chế một số loại phương tiện theo giờ để giảm tải phần nào áp lực giao thông cho tuyến đường vành đai 3 cả đường trên cao lẫn dưới thấp", Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung nêu giải pháp.

Để giảm tải cho đường vành đai 3 trên cao, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, vành đai 3 là một trong những tuyến đường quan trọng nhất với cả chức năng đối nội và đối ngoại của Hà Nội, hơn nữa còn có vai trò hỗ trợ lưu thông cho cả các địa phương trong vùng Thủ đô nên không thể cấm hoàn toàn xe ngoại tỉnh, xe quá cảnh.

Theo ông Thắng, có thể cấm phương tiện có tải trọng từ 10 tấn trở lên lưu thông qua vành đai 3 trên cao đoạn trong nội đô trong giờ cao điểm, sáng từ 6 - 9 giờ, chiều từ 17 - 20 giờ. Xe khách quá cảnh có thể phân luồng cho đi theo các hướng khác vào Quốc lộ 21A, hoặc qua cầu Đông Trù đi Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

Bên cạnh đó, có thể xem xét cấm xe container, xe tải nặng loại từ 25 tấn trở lên chạy ban ngày trên cầu cạn vành đai 3, đoạn từ Mai Dịch - cầu Thanh Trì; đồng thời lắp đặt cân tải trọng tự động trên đoạn tuyến. Các loại xe này bắt buộc phải chạy vào ban đêm để giảm tải áp lực giao thông, đồng thời chấm dứt tình trạng chở quá tải, gây mất an toàn giao thông.

Ngoài ra có thể xem xét tổ chức lại một số nút giao thông lớn như: vành đai 3 - Đại lộ Thăng Long; Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy… theo hướng cấm xe tải nặng, xe khách, xe hợp đồng từ hơn 30 chỗ lên xuống cầu cạn trong giờ cao điểm sáng - chiều.

Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/duong-vanh-dai-3-tren-cao-qua-tai-co-nen-han-che-phuong-tien-theo-gio-10300022.html
Zalo