Đường tới kỷ nguyên hùng cường
Dưới ngọn cờ của Đảng, tròn 95 năm qua, kể từ khi Đảng ra đời, nhất là từ 40 năm đổi mới, dân tộc phát triển toàn diện, với vị thế, sức mạnh và uy tín mới, chứng minh xác đáng sự tất yếu và hiện thực của con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và, lịch sử dân tộc 40 năm đổi mới toàn diện, đồng bộ đi đúng hướng, tuy không nhanh như mong đợi, đang thách thức dân tộc.
Càng bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, xu thế toàn cầu hóa với xung lực là kinh tế tri thức đang tiến với tốc độ “một ngày bằng cả trăm năm” đã và đang đặt ra trước đất nước những trọng trách mới, ngày càng to lớn, phức tạp và khó khăn.
Trong bối cảnh mới, để hóa giải nguy cơ đó và chớp lấy thời vận mới, chúng ta càng phải hành động kiên định, độc lập và sáng tạo tối thiểu các trọng sự đó, với phương châm hành động bao trùm là, cần phải giải quyết ở tầm nhìn, sâu hơn là tầm chủ thuyết phát triển, chứ không phải đơn thuần chỉ dừng lại xem xét những phương diện hay chính sách sai lầm yếu kém đơn lẻ nào đó, dù là cần thiết, và vô hình tự bó mình vào đó.
Thứ nhất: Không đột phá đổi mới hệ thể chế nhằm giải phóng mọi tiềm năng và thực lực phát triển, tạo thời cơ phát triển mới thì rất khó có sự bứt tốc thành công nào như mong muốn. Đây chính là giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới quan hệ sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất. Trong sự phát triển toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, cần nắm lấy ba khâu yết hầu, có tính quyết định khắc chế những khuyết tật, khai thông những “cục nghẽn mạch”, làm chuyển động tình hình và dẫn dắt thị trường tổng thể là: thể chế thị trường tài chính-tiền tệ; thể chế thị trường đất đai và thể chế thị trường công nghệ, để kỳ vọng phát triển rút ngắn trên lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, tăng tốc phát triển nền kinh tế.
Chúng ta đã và đang ra nhiều quyết sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật để hoàn thiện hệ thống thể chế giữ gìn an ninh mạng và phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Việc chủ động kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở địa phương và người dân; đồng thời, phải bảo vệ bí mật quốc gia, bởi đây là tài nguyên quốc gia, liên quan đến chính trị, xã hội, thậm chí cả chủ quyền quốc gia, khủng bố, chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, tạo ra khủng hoảng… phải được coi là những công việc rất quan trọng trong phát triển kinh tế, không kém bất cứ một không gian phát triển kinh tế hay chính trị nào khác.
Thứ hai: Không đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng rất khó phát triển rút ngắn, càng khó “cất cánh” nền kinh tế như kỳ vọng. Phải chăng đột phá của đột phá ở đây là: Tập trung chỉnh đốn, phát triển hệ thống “huyết mạch cứng”: đường bộ cao tốc Bắc Nam, liên vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tam giác, tứ giác phát triển, đường ven biển (kinh tế và quốc phòng) song hành với phương thức đi thẳng vào hiện đại hóa hệ thống hạ tầng “huyết mạch mềm” phát triển internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và công nghệ số? Không có nền tảng này không thể có sự phát triển rút ngắn thành công nào cả! Hơn bao giờ hết, sinh tồn trong một “thế giới phẳng” và cả không phẳng, việc phát triển ngang tầm và cấp bách “động mạch chủ” và các “động mạch” phân hệ hợp thành hệ “huyết mạch” chi phối các trung tâm giao thông hàng hải, đường bộ, hàng không, hệ thống thông tin mạng… nuôi dưỡng và phát triển nền kinh tế mang tầm chiến lược trên cơ sở tiếp tục đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại có ý nghĩa thành bại.
Trên cơ sở tính toán tổng thể và phù hợp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông: về đường bộ, hàng không, đường biển với số lượng cầu cảng, sân bay bảo đảm sự tập trung và liên thông thống nhất các vùng kinh tế dọc ba miền Bắc, Trung, Nam, cần kíp đầu tư tổng lực để xây dựng đường bộ cao tốc xuyên Việt, đường sắt cao tốc gắn liền với hệ thống cảng biển, cảng hàng không liên kết vùng và quốc gia, liên thông quốc tế, chứ không phải là tình trạng “cát cứ”, nhỏ lẻ, rời rạc như hiện nay (khi mỗi tỉnh có biển đề nghị một cầu cảng, nhiều tỉnh đề nghị mở sân bay). Như thế, sẽ rất lãng phí, lực lượng bị phân tán, thậm chí phá vỡ địa kinh tế, địa chính trị, địa văn hóa và địa quốc phòng mang tầm chiến lược, nguy cơ sẽ rơi vào rối loạn. Vì, đây là “động mạch chủ” của hệ thống huyết mạch bảo đảm sự phát triển không chỉ về kinh tế mà còn giữ vị trí chủ đạo cho phát triển xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên các vùng kinh tế - xã hội - quốc phòng chiến lược, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Phải khai thông điểm quyết định mang tầm chiến lược này, càng sớm càng hiệu quả, trước mắt trong những năm 2025, nếu muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Mặt khác, chưa bao giờ như hiện nay, sự phát triển của công nghệ mạng trở thành phân hệ huyết mạch rất quan trọng hoạt động trên tất cả các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong cơ thể toàn cầu nói chung và chúng ta nói riêng. Cùng với phân hệ huyết mạch “cứng” trên, phân hệ huyết mạch không gian mạng phải được phát triển song hành. Phát triển kinh tế thông qua hệ thống điện tử hiện nay đã vượt trên cả tự động hóa, thậm chí là điều khiển từ xa, chiếm quyền điều khiển từ nước ngoài. Tín dụng điện tử, tiền ảo, tiền công nghệ, trốn thuế đều có thể diễn ra trên không gian mạng, đã vượt lên trên sự quản lý của một thể thức ngân hàng; nguồn gốc xuất xứ hàng thật, hàng giả, buôn lậu vượt qua khỏi lãnh thổ quốc gia đang nằm ngoài sự kiểm soát. Có thể bắt tay ngay trong việc thiết kế sản xuất thiết bị để kết nối với nhà, đường sá, xe hơi... tất cả mọi thứ với nhau vào 15 năm tới từ đó tạo nền tảng cho nông thôn thông minh, đô thị thông minh, nhất cần dẫn đầu trong các cảm biến về In-tơ-net vạn vật, trí tuệ nhân tạo, phân bổ nguồn lực, số hóa; quan tâm xứng đáng lĩnh vực giáo dục, các cuộc thử nghiệm, trao quyền đầu tư, với phương châm trao quyền đầu tư với tinh thần khởi nghiệp, nỗ lực lấy con người làm trung tâm cho phép mở rộng cộng đồng nông thôn và thành thị… Nghĩa là yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược để đất nước cất cánh đang thách thức chúng ta.
Thứ ba: Phát triển chất lượng nguồn nhân lực. Mở rộng mọi con đường đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài, trước hết là các chính trị gia, kỹ trị gia và doanh nhân; đồng thời kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu trên thế giới bằng In-tơ-net, cung cấp, để cùng chia sẻ và thu hút đa chiều để họ, trực tiếp là các nhà khoa học, các doanh nhân trên thế giới đến Việt Nam đầu tư và làm việc, và ngược lại; cần bắt đầu từ việc tạo ra những thiết chế và điều kiện để kết nối đất nước với các trung tâm công nghệ khác trên thế giới như SIlicon Valley đã và đang hợp tác với Việt Nam…
Nếu không phát triển nguồn nhân lực, với triết lý giáo dục - đào tạo tiên tiến và phù hợp sẽ rất khó có thể tạo nên sức mạnh ngay từ nền móng của nền kinh tế song hành với phát triển căn bản xã hội và hội nhập thế giới. Tất cả vận hành bởi một thể chế tương dung, trên nền tảng hệ kết cấu hạ tầng chiến lược và tương xứng song hành phát triển nguồn nhân lực đủ sức dẫn dắt và thực thi tổng thể sự chiến lược phát triển quốc gia.
Trong phát triển tổng thể và bền vững, nếu nơi nào chỉ chạy theo kinh tế mà quên vấn đề xã hội nơi đó sẽ gặp vô cùng khó khăn. Kinh tế vị kinh tế sẽ dẫn tới chỗ lợi nhuận vị lợi nhuận, tiền vị tiền, “cá lớn nuốt cá bé” lập tức xuất hiện. Và nhất định sẽ rơi vào tình trạng khập khiễng, bấp bênh, thậm chí thất bại. Chính trị không có văn hóa, kinh tế không vì sự phát triển xã hội thì không còn là một nền chính trị nhân văn nữa và quyết không phải là thứ mà chúng ta lựa chọn. Nghĩa là, văn hóa phải xuyên thấm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của toàn bộ công cuộc kiến thiết và phát triển mà hệ thống hạ tầng chiến lược và nguồn nhân lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng, phải được đánh thức bởi hệ thống thể chế phù hợp.
Thể chế phải giải quyết và mở đường cho sự giải phóng toàn bộ vấn đề đó. Đây là thước đo sự phát triển kinh tế một cách hài hòa với văn hóa, phát triển kinh tế thị trường; về mục tiêu phát triển của kinh tế không chỉ có tăng trưởng mà đồng thời là phát triển về văn hóa, xã hội, mà trung tâm là Nhân dân.
Tầm nhìn và quyết sách chính trị, nhất định không thể đặt văn hóa đứng hàng thứ hai so với kinh tế, chính trị bảo đảm sự phát triển xã hội một cách nhân văn và bền vững. Và, đồng thời, ngay trong phát triển văn hóa phải bảo đảm hài hòa, cân đối và ngang tầm giữa các phương diện trong lĩnh vực phát triển văn hóa là điều rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị mà tất cả phải hướng tới phát triển đất nước, nếu không nói là có ý nghĩa thành bại.
Cần khắc sâu rằng, muốn đi nhanh và mạnh về kinh tế nhất định phải bằng công nghệ. Nhưng, để đi xa và bền vững, nhất định phải bằng văn hóa, phát triển kinh tế đồng hành và thống nhất với phát triển xã hội, trước hết đột phá đổi mới hệ thể chế giải phóng mọi nguồn lực và năng lượng phát triển, trên nền móng hệ thống hạ tầng chiến lược hiện đại, với nguồn nhân lực tương xứng làm chủ.
Nếu không như thế, nhất định khó có một cuộc “vươn mình” của dân tộc hay sự “cất cánh” nào xứng đáng của quốc gia vươn tới hùng cường!
TS. Nhị Lê Nguyên
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản