Đừng để tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ ngủ quên
Từ Trường THPT Lê Thế Hiếu, huyện Cam Lộ, em VÕ CHÍ THÀNH và NGUYỄN HÒA THUẬN vừa mang đến liên hoan 'Tuổi trẻ sáng tạo' khu vực miền Trung năm 2024 một chương trình giúp nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính qua hệ thống camera bằng ngôn ngữ lập trình Python. Sản phẩm sáng tạo của các em gây bất ngờ và được Trung ương Đoàn lựa chọn, vinh danh là 1 trong 12 công trình, giải pháp, sản phẩm sáng tạo, sáng kiến tiêu biểu. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với Chí Thành và Hòa Thuận.
Niềm vui từ đam mê sáng tạo
- Được biết, sản phẩm của hai em vừa được Trung ương Đoàn vinh danh là 1 trong 12 công trình, giải pháp, sản phẩm sáng tạo, sáng kiến tiêu biểu năm 2024. Cảm xúc của các em như thế nào khi nhận tin vui này?
- Chí Thành: Em rất tự hào và xúc động khi sự nỗ lực, công sức của mình được Trung ương Đoàn ghi nhận. Niềm vui này là nguồn động lực lớn để em và Hòa Thuận cố gắng nhiều hơn. Chúng em hy vọng sản phẩm mình làm ra sẽ tạo nên những giá trị tích cực, góp phần khơi dậy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ.
- Hòa Thuận: Khi cùng nhau xây dựng chương trình giúp nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính qua hệ thống camera bằng ngôn ngữ lập trình Python, em và Chí Thành khởi đầu với mong muốn thỏa mãn đam mê sáng tạo. Vì thế, chúng em rất bất ngờ khi sản phẩm của mình được lựa chọn tham dự liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” khu vực miền Trung năm 2024. Sự bất ngờ ấy đã chuyển thành niềm vui khi Trung ương Đoàn ghi nhận.
- Rất mong hai em chia sẻ về sản phẩm sáng tạo vừa được vinh danh?
-Hòa Thuận: Sản phẩm chúng em có tên đầy đủ là: “Chương trình nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính qua hệ thống camera, sử dụng ngôn ngữ lập trình Python”. Đây là ứng dụng giúp người dùng dịch nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu. Với chương trình này, mọi người có thể hiểu hơn thông điệp mà người khiếm thính chia sẻ. Từ đây, họ có thể thuận lợi hơn để hòa nhập với cộng đồng.
- Chí Thành: Sản phẩm của chúng em ra đời từ sự ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống camera kết hợp với thuật toán xử lý ngôn ngữ ký hiệu không chỉ giúp nhận diện, dịch ký hiệu nhanh chóng, chính xác mà còn mở ra cơ hội giao tiếp hiệu quả giữa người khiếm thính và cộng đồng .
- Điều gì thôi thúc hai em tạo ra sản phẩm sáng tạo này? Các em đã nỗ lực như thế nào để biến ý tưởng của mình thành hiện thực?
- Chí Thành: Động lực lớn nhất thôi thúc chúng em tạo ra sản phẩm này là mong muốn góp một giải pháp thiết thực cho cộng đồng, đặc biệt là người khiếm thính, giúp họ có thể giao tiếp thuận lợi hơn. Khi bắt đầu, chúng em đã đối mặt với không ít thách thức, từ việc tìm hiểu ngôn ngữ ký hiệu đến thiết kế thuật toán, viết bằng ngôn ngữ lập trình Python... Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và tinh thần làm việc nhóm, chúng em đã từng bước hoàn thiện sản phẩm. Trong quá trình biến ý tưởng thành hiện thực, chúng em chú ý lắng nghe ý kiến từ những người sử dụng tiềm năng để cải tiến và tối ưu hóa ứng dụng.
- Hòa Thuận: Là những người trẻ, chúng em hiểu rõ sức mạnh của công nghệ. Hiện nay, công nghệ có thể làm được những việc mà lâu nay chúng ta cho là không thể. Việc giúp người khiếm thị giao tiếp thuận lợi, hòa nhập tốt là một ví dụ. Tuy nhiên, để có thể làm chủ công nghệ, chúng em phải nỗ lực học tập, trau dồi rất nhiều. Sáng tạo sản phẩm này cũng chính là kết quả của một quá trình mày mò, tìm hiểu, học hỏi...
- Các em kỳ vọng như thế nào về việc đưa sản phẩm này vào thực tế?
- Hòa Thuận: Chúng em tin tưởng và rất kỳ vọng rằng sản phẩm nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính qua hệ thống camera sẽ sớm được ứng dụng rộng rãi. Đối với chúng em, không gì hạnh phúc hơn khi có thể mang lại những điều ý nghĩa cho cộng đồng.
- Chí Thành: Từ khi xây dựng chương trình, chúng em đã xác định đây không đơn thuần là một mô hình thử nghiệm mà sẽ được phát triển, ứng dụng lâu dài. Vì thế, dù đã đạt được kết quả đáng mừng, chúng em vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo để sản phẩm hoàn thiện nhất có thể.
Khơi dậy tinh thần sáng tạo trong học sinh
- Là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tình yêu sáng tạo của các em nảy nở, phát triển như thế nào?
- Chí Thành: Em luôn tin rằng, sự sáng tạo có thể giúp giải quyết mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống. Vì thế, nhu cầu, đam mê sáng tạo trong em hình thành từ sớm. Mỗi khi quan sát, nhận thấy vấn đề nào đó mới mẻ, em lại tự đặt ra cho mình những câu hỏi. Em cũng hiểu rằng, sáng tạo chỉ thực sự có ý nghĩa nếu được ứng dụng vào cuộc sống. Hành động sẽ tạo ra giá trị thực tiễn .
- Hòa Thuận: Với em, niềm đam mê sáng tạo có lẽ khó phát triển nếu bản thân không được sống, học tập trong một môi trường tốt. Ở trường, em nhận được rất nhiều sự động viên, khuyến khích, hỗ trợ từ các thầy cô, bạn bè, anh chị khóa trước. Tại nhà, ba mẹ luôn ủng hộ, cổ v ũ em. Trong quá trình xây dựng chương trình nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính qua hệ thống camera, sử dụng ngôn ngữ lập trình Python, em và Chí Thành đã nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ mọi người. Chúng em luôn biết ơn vì điều đó.
- Ở lứa tuổi học sinh, hai em thấy mình cũng như các bạn gặp thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình hình thành ý tưởng và xây dựng những sản phẩm sáng tạo?
- Hòa Thuận: Như em đã chia sẻ, thuận lợi lớn nhất có lẽ là sự hỗ trợ nhiệt tình từ nhà trường, thầy cô và người thân. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng đã giúp ích cho chúng em rất nhiều trong quá trình hình thành ý tưởng và xây dựng các sản phẩm sáng tạo. Tuy nhiên, là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng em cũng gặp không ít khó khăn. So với các bạn ở thành phố, điều kiện học tập, sáng tạo của chúng em hạn chế hơn; thời gian học tập khá nhiều nên ít có thời gian dành cho việc nghiên cứu, sáng tạo.
- Chí Thành: Ngoài những điều mà Hòa Thuận chia sẻ, với em, điều thuận lợi là có một người bạn đồng hành rất tin cậy, chu đáo. Trong quá trình sáng tạo ra sản phẩm, chúng em phải thử nghiệm, điều chỉnh rất nhiều lần. Có lúc cả 2 chùn lòng và nghĩ rằng ý tưởng của mình khó trở thành sản phẩm cụ thể được. Thế nhưng, bằng quyết tâm, sự nỗ lực chung, chúng em đã cùng nhau vượt qua.
- Vượt qua khó khăn, tình yêu, sự đam mê sáng tạo đã mang lại điều gì ý nghĩa cho các em?
- Chí Thành: Tình yêu và đam mê sáng tạo đã mang lại cho em không chỉ niềm vui khi có thể đóng góp cho cộng đồng mà còn giúp em trưởng thành hơn trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Quá trình làm ra sản phẩm sáng tạo, em thấy mình kiên nhẫn hơn, có nhiều kỹ năng hơn... Em cũng nhận ra rằng không có gì là không thể nếu chúng ta có đủ đam mê và quyết tâm.
- Hòa Thuận: Cũng như bạn Thành, em rất vui vì mình có thể giúp ích cho cộng đồng, đặc biệt là những người khiếm thính. Chúng em cũng cảm nhận được sự trưởng thành và phát triển của bản thân qua quá trình nghiên cứu, hiện thực hóa ý tưởng. Em tin, sự sáng tạo sẽ đưa mình đến với những chân trời mới, rộng mở hơn.
- Từ những trải nghiệm tại liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” khu vực miền Trung, hai em có điều gì muốn gửi gắm các cấp, ngành liên quan và những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường?
- Hòa Thuận: Em mong các cấp, ngành tiếp tục tạo ra những cơ hội và môi trường thuận lợi để các bạn trẻ phát huy sự sáng tạo của mình, đặc biệt là trong việc áp dụng công nghệ vào giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn. Đối với học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em muốn nhắn nhủ các bạn đừng bao giờ ngừng mơ ước và sáng tạo. Hãy luôn dám thử thách bản thân, đón nhận thất bại như một bài học quý giá và không ngừng học hỏi. Mỗi ý tưởng, dù nhỏ bé, đều có thể tạo ra sự khác biệt nếu chúng ta kiên trì và tin tưởng vào khả năng của mình. Vì thế, đừng để sự sáng tạo của tuổi trẻ ngủ quên.
-Chí Thành: Ngoài những điều mà Hòa Thuận chia sẻ, em mong muốn các cấp, ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều liên hoan, cuộc thi, sân chơi như liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” khu vực miền Trung năm 2024. Đây chính là cơ hội để không chỉ chúng em mà còn nhiều bạn trẻ khác có những trải nghiệm ý nghĩa và hiểu rằng tuy ngồi trên ghế nhà trường nhưng mình vẫn có thể đóng góp cho cộng đồng bằng các ý tưởng mới, sản phẩm sáng tạo...
- Xin cảm ơn hai em! Chúc các em ngày càng gặt hái nhiều thành công!
Tây Long (thực hiện)