Kinh tế - xã hội Đất Sen hồng tiếp tục khởi sắc
ĐTO - Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đoàn kết, thống nhất, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Kinh tế chuyển dịch đúng định hướng
Ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh, tái cơ cấu hiệu quả với chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực được mở rộng, đẩy mạnh, đi đầu trong nhóm chuyển đổi số của tỉnh, kết hợp hiệu quả giữa nông nghiệp - du lịch - thương mại, tư duy kinh tế nông nghiệp dần hình thành thay thế tư duy sản xuất nông nghiệp trong đại bộ phận nông dân tỉnh.
Ngành lúa gạo giữ vai trò chủ đạo, nhất là xuất khẩu; năm 2024, lúa gạo lần đầu tiên trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Ngành hàng hoa kiểng phát triển đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu thị trường, cung ứng hàng hóa cho cả nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành hàng sen canh tác theo hướng bền vững, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến. Cây ăn trái phát triển nhanh về diện tích, nâng cao giá trị. Ngành thủy sản duy trì phát triển ổn định, theo chiều sâu, mang lại giá trị xuất khẩu cao. Tỉnh triển khai 161.000ha tham gia thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải và đang xây dựng Đề án tổng thể “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Tăng trưởng bình quân lĩnh vực công nghiệp của tỉnh năm 2024 ước đạt 6,15%/năm, trong đó công nghiệp chế biến chiếm trên 98% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành và tiếp tục phát huy vai trò then chốt trong gắn kết sản xuất, tiêu thụ, gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng nông sản. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khá, giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 117.000 tỷ đồng (tăng 38% so với tổng vốn huy động giai đoạn 2016 - 2020). Kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp vào GRDP ước đạt hơn 29% (tăng 6% so với năm 2020). Thu hút dự án đầu tư có chuyển biến, quy mô vốn đăng ký mới tăng hơn 40% so với giai đoạn 2016 - 2020. Hợp tác xã thực hiện tốt vai trò tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng; giai đoạn 2020 - 2024, toàn tỉnh có 44 Hợp tác xã thành lập mới hiệu quả. Hoàn thiện hồ sơ nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Thường Phước thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Thường Phước. Đang hoàn thiện hồ sơ nâng cấp Cửa khẩu phụ Mộc Rá thành cửa khẩu chính. Hệ thống đường tuần tra biên giới, đường ra biên giới hoàn thiện phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, quản lý, bảo vệ biên giới Quốc gia.
Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực
Quy mô phát triển các ngành học, cấp học phù hợp với quy mô dân số địa phương, một số chỉ tiêu của tỉnh đã cao hơn khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tiệm cận mặt bằng chung của cả nước. TP Sa Đéc và TP Cao Lãnh được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu”. Chất lượng lao động tiếp tục được cải thiện, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động đạt và vượt chỉ tiêu, với nhiều hình thức linh hoạt. Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp tục phát huy hiệu quả, đến nay, có trên 8.790 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Khoa học và công nghệ được ứng dụng ngày càng nhiều vào các ngành, lĩnh vực. Mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân của tỉnh đang trong giai đoạn cuối hoàn thiện, nghiệm thu mô hình. Phấn đấu đến hết năm 2025, sẽ có 7 địa phương được công nhận Làng thông minh. Trung tâm chuyển đổi số tỉnh là Trung tâm thứ 2 được thành lập trên toàn quốc, tập trung đẩy mạnh số hóa trên 3 lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp.
Tỉnh đã xây dựng các tiêu chí chuẩn mực con người Đồng Tháp “yêu nước, đoàn kết, trung thực, tự lực, chăm chỉ, hợp tác, nghĩa tình, năng động sáng tạo”. Công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác hiệu quả giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được chú trọng. Các lễ hội tôn vinh, phát huy thế mạnh ngành hàng như: Lễ hội Hoa Kiểng Sa Đéc, Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài, Lễ hội Cá tra thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, khách du lịch, góp phần quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch, nông nghiệp. Hình thành Đường sách TP Cao Lãnh - Đường sách duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long và tổ chức thường xuyên các hoạt động phát huy văn hóa đọc, nhất là trong giới trẻ. Thể thao quần chúng phát triển ổn định và thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực với gần 400 Huy chương Quốc gia, quốc tế các loại. Tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình “Xóa nhà tạm” với mục tiêu phấn đấu xây dựng hoàn thành 2.000 căn nhà ở cho các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo vào năm 2025. Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, với tổng nguồn vốn đạt hơn 122 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 71 triệu đồng (tăng 23 triệu đồng so với năm 2020).