Đường sắt trong kỷ nguyên vươn mình

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, muốn phát triển phải có kết cấu hạ tầng hiện đại theo hướng đồng bộ, lan tỏa. Vì vậy, chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là quyết định mang tầm chiến lược.

Dẫu đã được nâng cấp, cải thiện hơn trước, nhưng ai đã từng đi tàu hỏa mới thấy sự chậm tiến của ngành Đường sắt nước nhà. Nhớ lại câu chuyện của một nhà văn khá nổi tiếng viết cách nay khoảng 20 năm, đại ý: Một du khách nước ngoài đi tàu hỏa từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, vì ngủ quên, nên khi nhìn ra ngoài trời thấy những cây rơm ở những làng quê Quảng Nam, du khách ngỡ tưởng những lều của người du mục Mông Cổ, nên hét toáng lên. Một vài khách bên cạnh biết chuyện, nói với du khách rằng “tàu mới chạy đến địa bàn tỉnh Quảng Nam của Việt Nam”. Vị khách xin lỗi và nói vì nhìn thấy (cây rơm - PV) giống các lều cỏ bên Mông Cổ sợ tàu đã chạy qua Thủ đô!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kể điều này để muốn nhấn thêm câu chuyện đường sắt nước ta lạc hậu đến mức nào. Đi từ ga Hà Nội về ga Thanh Hóa khoảng gần 180 km, mất khoảng 4 giờ đồng hồ; trong khi đó với quãng thời gian này, ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc…. tàu đã chạy được quãng đường từ 900-1.400 km!

Ngay sau khi các cơ quan thông tấn đăng tin, Bộ Chính trị quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ thiết kế 350km/h, với quyết tâm đến năm 2035 sẽ hoàn thành, trên không gian mạng đã có những ý kiến trái chiều. Về cơ bản đa số đồng ý, tán thành việc phải nhanh chóng xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhưng cũng không ít người lo ngại về đầu tư số vốn quá lớn, liệu có phát huy hiệu quả? Đặc biệt, nếu phải đi vay nước ngoài, có để lại gánh nợ quá lớn cho mai sau? Đặc biệt lo lắng vấn đề bẫy nợ!

Để trả lời những thắc mắc này, với tinh thần độc lập, tự lập, tự cường, tự chủ, Bộ Chính trị quyết định dùng vốn đầu tư công và huy động nguồn vốn trong nước làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và không phụ thuộc vào nước ngoài. Phải công nhận đây là dự án đặc biệt, có nguồn vốn rất lớn lên tới 67 tỷ USD. Đây mới chỉ là ước lượng của Bộ Giao thông vận tải, con số này có thể sẽ được điều chỉnh khi các bên tính toán mọi phương án, phương thức. Song xét về mặt năng lực, việc Bộ Chính trị quyết định đầu tư bằng vốn ngân sách và vốn trong nước không phụ thuộc vào nước ngoài, chúng ta tin vào tiềm lực tài chính quốc gia, tiềm năng các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn làm được.

Dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, chúng ta chỉ thi công trong vòng hơn 6 tháng trong điều kiện địa hình, địa mạo, phức tạp vẫn hoàn thành. Dự án sân bay Long Thành cũng đang phăng phăng về đích, phát huy kinh nghiệm từ các dự án này, với quyết tâm chính trị rất cao, tin tưởng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ không bị chậm tiến độ. Nhất quyết Chúng ta sẽ có tuyến đường sắt cao tốc đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước.

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/duong-sat-trong-ky-nguyen-vuon-minh-178484.html
Zalo