Dưới vòm hoa phượng vĩ

Minh họa: Phan Nhân
Chúng tôi không gặp nhau từ ngày cả hai rời khỏi mái trường quen thuộc đã gắn bó suốt bốn năm đại học. Khi ấy, trên vòm cây phượng vĩ đỏ rực và tiếng ve sầu ngủ yên dưới lớp lá khô vàng ngót nghét một năm trời bất chợt vang vọng trong thành phố. Bẵng đi một thời gian dài chúng tôi không có dịp gặp lại nhau. Công việc và vòng xoáy tất bật của cuộc sống đã khiến cho chúng tôi quên đi rằng mình đã từng là một phần của nhau. Và rồi những cảm xúc năm xưa bất chợt dấy lên trong tôi trong một chiều mùa hạ có hoa phượng nở rợp trời, có tiếng ve râm ran, chúng tôi vô tình gặp lại nhau trong thành phố. Khoảnh khắc đó, tim tôi như muốn vỡ ra trong lồng ngực. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ bởi đã có lúc chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau.
*
- Văn về Việt Nam từ lúc nào? - Tôi hỏi, khi cả hai đã yên vị trong quán cà phê giữa lòng thành phố, cạnh cửa kính nhìn ra đại lộ tấp nập xe cộ.
- Từ hôm qua, Ngân! Anh xuống sân bay lúc xế chiều. Trời mưa dầm dề.
Tôi gật đầu:
- Mùa mưa năm nay đến sớm.
Một câu nói vô nghĩa, như để che lấp sự bối rối trong tôi. Bởi dẫu có gắn bó với nhau tận bốn năm ròng thời sinh viên còn nhiều khó khăn, bồng bột, nhưng chúng tôi cũng đã cách xa quá lâu. Thời gian không làm cho tôi quên đi Văn, nhưng vô tình đẩy chúng tôi ra xa nhau, trở thành những người lạ lẫm.
Ngập ngừng một lúc, tôi hỏi tiếp:
- Văn sẽ ở lại Việt Nam hay đi tiếp?
- Ở lại, dẫu sao đi nữa, quê hương vẫn là nơi tốt nhất để mỗi người tìm về.
Tôi cười. Trời mưa đổ.
Trong quán cà phê, chủ quán là một bà già đã ngoài bảy mươi vẫn thường mở nhạc Thái Thanh, Hồng Nhung… Giai điệu êm êm trong trời mưa đổ. Tôi ngồi nhìn anh rồi đảo mắt xuống lòng đường. Người người trong tấm áo mưa đang vội vã về nhà. Gió cuộn những cánh hoa phượng vĩ đỏ rực từ trên vòm cây bay xuống tá lả. Tôi thích mưa từ hồi tôi còn là sinh viên. Ngày đó, mỗi lần ngồi bên ban công ký túc xá thấy trời đổ mưa, những lá trút xuống khoảng sân hẹp mà bọn sinh viên thường ra đá bóng, nhảy dây, tôi lại thấy lòng mình buồn man mác. Mưa của tuổi sinh viên gợi nhắc những cơn mưa thuở ấu thơ, khi tôi sống bên bà, bên mẹ. Lên thành phố đi học, mưa là khoảnh khắc để tôi trải lòng mình, khóc cười, buồn vui… tất cả thả vào mưa mùa hè rơi trên vùng thương nhớ.
Văn cũng thích mưa như tôi. Mỗi lần mưa, anh thường mặc áo mưa sang ký túc xá cùng tôi ngắm muôn triệu hạt nước li ti rơi ngoài ban công, mang qua cho tôi ít quả chuối nướng, hoặc bắp luộc… Anh không ở ký túc xá mà ở trọ cách trường xa. Năm tháng trôi qua, chúng tôi vẫn giữ trong nhau những hình ảnh đẹp đẽ, tử tế, gắn với thời sinh viên xa lắc. Tôi nhớ, mỗi lần bắt gặp chúng tôi đi cùng nhau ở hành lang giảng đường hay dưới sân trường hoa nắng, đám bạn thân lại trêu chúng tôi là một đôi. Văn tủm tỉm cười, còn tôi thì thấy má mình nóng bừng. Văn khẽ nhìn tôi, tôi tránh ánh mắt của Văn bằng cách nhìn lên vòm cây có hoa phượng vĩ nở đỏ cả một trời thương nhớ. Chúng tôi cứ dùng dằng như thế cho đến khi mùa phượng vĩ cuối cùng nở rộ trên cành. Anh rời xa mái trường, rời thành phố mang theo nhiều nhớ thương, vương vấn.
- Văn này! Điều tiếc nuối nhất của anh khi trước khi đi du học là gì? - Tôi bất chợt hỏi.Im lặng một thoáng, trong âm thanh mưa rơi bì bõm ngoài hiên, bất chợt anh nói với tôi rằng:
- Điều tiếc nuối nhất của anh là không nói với em một lời nào, không để lại cho em một tín hiệu, một niềm tin nào trước khi rời Việt Nam.
Tôi cúi mặt nhìn ly nước đang tan ra như những nỗi buồn đã từng tan chảy trong tâm hồn từng ấy năm Văn xa xứ. Ngày ấy, Văn đi để lại trong tôi một dấu hỏi lớn, rằng vì cớ gì mà anh lại rời đi không nói một lời. Năm tháng đã qua, ký ức đẹp chẳng lẽ với anh là vô nghĩa…
Giây phút ấy, nước mắt tôi bất chợt lăn dài trên má.
*
Tốt nghiệp đại học, chúng tôi may mắn “săn” được học bổng sau đại học ở nước ngoài. Tôi vui mừng nắm tay Văn reo lên như một đứa trẻ được mẹ mua cho quần áo mới.
Gần đến ngày đi du học thì mẹ tôi không may bệnh nặng. Lòng tôi như tơ vò. Mẹ nói tôi cứ đi đi, mẹ rồi sẽ khỏe, chuyện nhà đã có anh tôi lo. Việc học của tôi mới là quan trọng nhất. Tôi gật đầu cho mẹ yên tâm. Vậy rồi tôi không đi du học, mà đến bây giờ, tôi vẫn tin rằng quyết định đó của mình là đúng đắn. Sau này tôi có thể đi đến nhiều nơi, nhưng mẹ thì chỉ có một. Văn đi, như một cánh chim bay về vùng trời xa xôi, cao rộng và đầy ánh lê minh sáng rực. Tôi quay về ngôi làng chài nhỏ ven biển của mình để sống những ngày êm đềm bên mẹ, chăm sóc mẹ cho đến khi mẹ tôi khỏe hẳn. Những ngày ở làng biển là những ngày yên bình nhất của tôi. Nhìn những con sóng vỗ điệp trùng ngoài khơi xa, những người dân chài dong thuyền ra biển rồi trở về trong niềm hân hoan, phấn khởi, tâm hồn tôi như được thanh lọc, chữa lành.
Mẹ khỏi bệnh, tôi trở lại thành phố, viết tiếp giấc mơ của mình. Cứ vài tháng, tôi lại về làng biển. Nơi đó như chỗ dựa tinh thần vững chắc của tôi.
Chừng ấy năm, Văn biền biệt như cánh chim lạc đường. Tôi không nhận được bất kỳ tin tức nào về anh. Có lúc tôi ngỡ rằng Văn đã lãng quên tôi, còn tôi vẫn hoài mong, đợi chờ anh, nâng niu từng ký ức. Mùa phượng vĩ cuối cùng trước khi chúng tôi xa nhau, tôi đã nói với Văn điều gì tôi không nhớ rõ, nhưng tôi nhớ rất rõ cái nắm tay thật chặt của Văn, cùng ánh mắt thiết tha, trìu mến của anh. Những cử chỉ đơn giản, nhẹ nhàng đó lại khiến tôi tin rằng lòng anh là chân thành, thắm thiết. Và tôi đã đợi anh từng ngày trong thành phố này. Tôi biết Văn sẽ trở lại, bởi thành phố này đã giúp anh lưu giữ rất nhiều thứ quý giá. Trong đó, có cả những thứ vĩnh viễn thuộc về ký ức của cả hai chúng tôi.
- Mấy năm qua, Ngân sống tốt chứ? Mẹ vẫn khỏe, phải không Ngân. - Anh hỏi tôi, tay anh nắm lấy mấy ngón tay thon thon của tôi đặt hờ trên mặt bàn.
- Mẹ vẫn khỏe, anh ạ! Mẹ khỏe là điều em mong ước nhất. Em cũng vậy, sống tốt và làm được công việc mà mình yêu thích.
- Em dạy học ở ngôi trường năm xưa chúng mình từng học phải không?
Tim tôi sắt se. Văn vẫn nhớ ước mơ của tôi là trở thành cô giáo, được mặc áo dài mỗi sớm mai lên lớp, được nói cho học trò nghe ước mơ là gì, và cách để giữ gìn, nuôi dưỡng giấc mơ ra sao...
Tôi gật đầu.
Văn lặng đi. Tôi hiểu, từ một đất nước xa xôi khác trở lại Việt Nam, bao hồi ức cũ ùa về trong anh. Ngay cả tôi cũng vậy, khi gặp Văn, những tháng năm còn là sinh viên khó khăn, thiếu thốn bất chợt hiện về, cả những đêm đi làm gia sư gõ đầu trẻ rồi cùng Văn ghé tiệm hủ tiếu trước cổng trường ăn vội vàng sau giờ dạy, cả những ký ức về mùa phượng vĩ nở đỏ rực trên vòm cây mang theo bao nhiêu mơ ước đẹp của chúng tôi…
- Ngân, em có giận anh không? - Anh bất chợt hỏi tôi.
- Vì điều gì? - Tôi hỏi lại.
- Vì anh đã rời Việt Nam đi mấy năm, mà chẳng cho em một tín hiệu nào.
Tôi lắc đầu.
- Không đâu, Văn! Mỗi người chúng ta đều có những lựa chọn riêng.
Bất ngờ, anh nắm chặt tay tôi:
- Ngân, ngày ấy anh sợ em phải chờ đợi…
- Em vẫn chờ đấy thôi! - Tôi thỏ thẻ - Dù không biết rằng mình đang chờ đợi điều gì.
Anh nhìn tôi, mắt Văn đỏ hoe. Chưa bao giờ tôi thấy anh như thế!
- Ngân! Anh không xứng đáng.
Tôi chớp mắt. Những hạt nước tràn ra, lăn lăn trên má.
Trong âm thanh chậm rãi mà xao xuyến lòng của giai điệu “Thu cuối”, tôi thều thào, đủ để anh nghe được lời tôi:
- Em tin Văn sẽ trở lại.
Chúng tôi lặng im, nhưng trong lòng thì bộn bề cảm xúc. Mưa mùa hạ khơi lên những hoài niệm cũ, mưa làm rụng rơi cánh phượng đỏ rực xuống mặt đường, mưa gọi thức kỷ niệm xưa, gọi thức những cảm giác tưởng chừng đã mất mát đi vì thời gian và vì vòng xoáy tất bật của cuộc sống.
Mưa tạnh, lòng đường lại rộn ràng xe cộ và xôn xao tiếng người túa ra từ những hàng quán. Sau khi trú mưa, hẳn sẽ có nhiều người đã từng xa lạ bấy giờ lại quen nhau, hẳn sẽ có nhiều mối tình chớm nở trong mùa mưa đầy thương nhớ.
Chúng tôi đứng dậy bước ra khỏi quán cà phê, khi đó, ly đen đá của Văn đã tan hết. Dưới tàn cây phượng vĩ nở rộ báo hiệu một mùa hè nữa lại đến, một mùa hè đầy ắp những kỷ niệm đẹp, tôi nói lời chào Văn rồi bước đi. Khoảnh khắc đó, anh chộp lấy bàn tay tôi níu lại khiến tôi sững sờ, rồi thấy tay mình ấm ấm, dường như sắp sửa tan chảy trong bàn tay mềm của Văn. Anh trìu mến:
- Mình sẽ gặp nhau, phải không Ngân?
Tôi nhìn sâu vào mắt anh, mỉm cười:
- Nhất định rồi, Văn!
Tôi bước đi. Nhưng tôi có cảm giác Văn vẫn nhìn theo bước chân tôi, như những ngày xưa ấy, mỗi khi đưa tôi về đến cổng ký túc xá, Văn cũng nhìn theo bước chân tôi cho đến khi bóng tôi khuất hẳn sau bức tường vàng phủ rêu cổ kính.
Tôi nhìn lên tàn phượng vĩ. Hoa phượng đỏ như con tim. Hoa phượng dấy lên trong tôi cả một trời thương nhớ!