Bệnh nhân COVID-19 tăng, người dân cần chủ động phòng bệnh
Bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng không mới so với trước đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, nên chủ động phòng bệnh.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 600 bệnh nhân COVID-19 tại 39 tỉnh, thành, không có ca tử vong. Toàn quốc cũng không ghi nhận các ổ dịch tập trung, nhưng số ca mắc có sự tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây.
Triệu chứng bệnh không mới
Bà Lê Thị Đoài (Cầu Giấy, Hà Nội), người nhà của bệnh nhi 1 tháng tuổi đang điều trị tại khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết trước khi vào viện, trẻ có triệu chứng sốt 38-39 độ C, quấy nhiều, bỏ ăn.
Trước đó, mẹ của bệnh nhi đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2, có các triệu chứng ho nhiều, sốt, rát họng.
"Do đó, ngay khi cháu có các triệu chứng bất thường gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện. Cháu được xác định mắc COVID-19, phải nhập viện điều trị nội trú. Cả gia đình đến giờ vẫn chưa có thêm ai mắc bệnh, chỉ có mẹ cháu và cháu", bà Đoài nói.
Hiện, sau hơn 2 ngày điều trị, trẻ sốt dưới 38 độ C, ăn tốt hơn, đỡ quấy khóc, ngủ ngoan.

Bệnh nhi 1 tháng tuổi mắc COVID-19 đang được điều trị nội trú tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: TT
Điều trị cùng phòng với bệnh nhi trên là bệnh nhi 7 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng sốt 39,5-40 độ C, nôn nhiều, được gia đình đưa đến phòng khám tư nhưng không tìm được nguyên nhân gây sốt.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trẻ được xác định dương tính với SARS-CoV-2, phải điều trị nội trú. Sau hơn 1 ngày nằm viện, trẻ cắt sốt, ăn uống tốt.
Còn bệnh nhân Vũ Thị Lai, 94 tuổi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt, huyết áp cao, suy hô hấp, ý thức chậm.
Trước đó 2 tuần, bệnh nhân có triệu chứng ho, được gia đình đưa đi khám nhưng không tìm ra nguyên nhân. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục có triệu chứng sốt, xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân được cải thiện, chỉ số SpO2 trong ngưỡng an toàn, ý thức tỉnh táo hơn.
"Quá trình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 là người lớn tuổi, có bệnh nền gặp khó khăn hơn so với các bệnh nhân khác do chức năng gan, thận của người bệnh có sự thay đổi theo tuổi tác. Đặc biệt, các bệnh nền của người bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị", bác sĩ Trần Quốc Khánh, khoa Bệnh nghề nghiệp - Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết.
Tất cả người bệnh được xác định dương tính với COVID-19 đều nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán kỹ lưỡng hơn, bên cạnh việc đã thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà.
Tại bệnh viện, người bệnh sẽ được các bác sĩ tư vấn, hướng dẫn về cách điều trị, theo dõi bệnh tại nhà. Đối với các trường hợp đặc biệt sẽ có chỉ định nhập viện điều trị nội trú.
Hiện, bệnh nhân cần nhập viện đều thuộc nhóm có nguy cơ bệnh trở nặng cao như: người lớn tuổi, người có bệnh nền (tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận...), người suy giảm miễn dịch.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh
Khoa Bệnh nghề nghiệp - Bệnh viện Thanh Nhàn
Trẻ mắc COVID-19 có thể được điều trị ngoại trú
Trong 2 tuần gần đây, khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn ghi nhận tình trạng trẻ mắc COVID-19 đến khám ngoại trú và nhập viện điều trị nội trú có sự gia tăng so với các tháng trước, trong đó có nhiều trẻ sơ sinh.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi, cho biết phần lớn bệnh nhi đến viện với các dấu hiệu như sốt, quấy khóc nhiều, ăn uống kém, viêm long đường hô hấp (nghẹt mũi, ho húng hắng...), một số trẻ có biến chứng viêm phổi.
Phần lớn trẻ nhỏ hiện nay vẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19 do trước đây chỉ định tiêm chủ yếu áp dụng cho trẻ trên 5 tuổi.
"Trẻ dưới 3 tháng tuổi khi có triệu chứng sốt, gia đình nên cho bé đi xét nghiệm COVID-19. Khi được xác định dương tính, trẻ cần được điều trị, theo dõi tại bệnh viện để tránh các biến chứng không mong muốn.
Còn đối với các trẻ lớn hơn, có triệu chứng sốt nhẹ, ăn uống được, không có triệu chứng bất thường của đường hô hấp thì vẫn có thể xem xét để điều trị ngoại trú", bác sĩ Sang khuyến cáo.

Phần lớn trẻ nhỏ hiện nay chưa được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: TT
Còn theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, khoa Bệnh nghề nghiệp, bệnh nhân COVID-19 là người lớn cũng có xu hướng tăng trong những tuần gần đây. Tỉ lệ người nhập viện điều trị nội trú chiếm khoảng 20% tổng số ca mắc.
Hầu hết bệnh nhân khi đến viện có các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên, sốt, ho, chảy nước mũi, khó thở, chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân có tình trạng quá nặng.
"Các nghiên cứu trên thế giới cũng như các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế đều chỉ ra rằng việc tiêm vaccine COVID-19 có khả năng giúp ngăn ngừa mắc bệnh, giảm biến chứng của bệnh. Do vậy, người dân không nên hoang mang.
Song, những người đã tiêm vaccine cũng không nên chủ quan, lơ là mà vẫn cần chủ động phòng chống bệnh", bác sĩ Khánh nói.
Cũng theo bác sĩ Khánh, trong giai đoạn hiện nay có nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, COVID-19. Các bệnh này có triệu chứng gần giống nhau, do vậy, khi có các dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, khó thở... người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và được chẩn đoán sớm, đúng bệnh, từ đó có cách điều trị phù hợp.
"Bệnh viện Thanh Nhàn luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận các ca mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng. Trong trường hợp tỉ lệ bệnh nhân nội trú tăng cao, khu cách ly, thiết bị và vật tư y tế của bệnh viện vẫn đảm bảo đáp ứng, phục vụ bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn", bác sĩ Khánh cho hay.
COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B như cúm mùa
Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh), hiện nay COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh không mất đi, vì vậy sẽ có lúc tăng lúc giảm số ca mắc, thậm chí có tính chất chu kỳ như các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành khác. Ví dụ, bệnh này đang diễn biến tương tự như bệnh cúm mùa.
"Tại Việt Nam, cũng như tại các quốc gia khác, số bệnh nhân COVID-19 đang tăng nhưng số người phải nhập viện điều trị không nhiều.
Các bệnh truyền nhiễm khác cũng có thể gây nên tình trạng nhập viện, tử vong, đặc biệt đối với nhóm người dễ bị tổn thương", ông Phu nói.
Do đó, ông Phu cho rằng trước tình hình bệnh COVID-19 hiện nay, người dân không nên quá lo ngại, nhưng cũng cần có các biện pháp phòng tránh phù hợp để những đối tượng dễ bị tổn thương, nguy cơ cao không bị nhiễm bệnh và tăng nặng.
Không cần quá lo lắng, song không chủ quan
Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), cho biết theo ghi nhận trên các ca mắc bệnh, chủng COVID-19 hiện nay là chủ yếu là biến thể XBB Omicron. Biến thể này dễ lây lan, tuy nhiên các triệu chứng thường nhẹ, chưa có bằng chứng về việc biến thể này gây tình trạng nặng ở người bệnh.
"Người dân không nên chủ quan nhưng cũng không cần quá lo lắng về tình hình bệnh COVID-10 hiện nay. Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có các dự báo, thông tin kịp thời đến người dân", ông Sơn nói.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện trực thuộc, y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác khám, phát hiện, điều trị ca bệnh COVID-19.
Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị giám đốc các bệnh viện, sở y tế khẩn trương rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của cơ sở khám chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ.
Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; tăng cường biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm qua đường hô hấp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh.
Cùng với đó, cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao; tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.