Dược liệu độc có nguồn gốc từ 5 cây quen thuộc

Danh mục dược liệu độc làm thuốc nguồn gốc thực vật do Bộ Y tế ban hành đề cập tới trúc đào, xoan, gấc…

Theo Thông tư ban hành Danh mục Dược liệu độc làm thuốc hiệu lực từ tháng 10/2024 có một số cây đã quen thuộc với người dân Việt Nam:

Cà độc dược

Cà độc dược thường mọc ở những nơi đất hoang, mùn ẩm. Theo Đông y, hoa cà độc dược dùng để trị ho, suyễn, lạnh bụng, phong thấp đau nhức, sưng chân, đau dây thần kinh tọa, động kinh… Các thầy thuốc thường hướng dẫn sử dụng cà độc dược dưới hình thức bột lá và bột hoa hoặc dùng lá - hoa phơi khô, thái nhỏ, liều lượng thấp.

Loại cây này tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao do chứa hoạt chất hyoxin và atropin. Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu sau khi ăn quả, hoa, ngọn cà độc dược luộc, nấu canh, ngâm rượu. Triệu chứng bộc lộ nhanh chóng, thậm chí chỉ 30 phút sau khi ăn. Bệnh nhân có thể bị buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tê bì tay chân, tê lưỡi, nói năng mất tự chủ, mắt mờ.

Ngay cả khi cà độc dược đã được chế làm thuốc cũng cấm kỵ với người có thể lực yếu; phụ nữ mang thai và cho con bú; bệnh nhân suy tim, sốt, loét dạ dày, huyết áp cao, rối loạn tâm thần.

Dừa cạn

Dừa cạn hay còn gọi là trường xuân, hoa hải đằng, bông dừa, dương giác… có tính mát, vị đắng, tác dụng hoạt huyết, hạ huyết áp. Rễ dừa cạn có tác dụng tẩy giun, chữa sốt. Thân và lá có thể làm săn da, giúp lọc máu, chữa một số bệnh ngoài da, trị tiểu đường.

Trong dừa cạn có thành phần vincristin chống ung thư nhưng lại gây hại cho thai nhi, ức chế hệ thần kinh nên phụ nữ có thai và đang cho con bú cần tránh dùng. Người huyết áp thấp cũng không nên sử dụng bài thuốc có dừa cạn. Sử dụng liều cao và kéo dài dược liệu này có thể gây mù, tử vong.

Hạt gấc có thể dùng làm thuốc Đông y. Ảnh: Gardening Know How

Hạt gấc có thể dùng làm thuốc Đông y. Ảnh: Gardening Know How

Gấc

Hạt gấc còn gọi là mộc miết tử có đặc tính hoạt huyết, giảm sưng, tiêu viêm. Lớp màng bên ngoài hạt gấc được sử dụng làm dầu gấc chứa lycopen, beta-caroten phòng chống ung thư, khô mắt và mờ mắt; tăng cường miễn dịch, làm đẹp da… Rượu gấc có thể chữa đau răng, đau nhức xương khớp, tụ máu do chấn thương.

Lưu ý tránh uống rượu hạt gấc và bôi lên các vết thương hở vì trong hạt gấc có một lượng độc nhỏ.

Trúc đào

Trúc đào là cây cảnh được trồng phổ biến, hoa có nhiều màu sắc như trắng, hồng, đỏ cam, đỏ tía, thơm nhẹ. Từ lá trúc đào có thể chiết xuất ra các chất làm thuốc trợ tim, chữa suy tim, khó thở.

Tuy nhiên, toàn cây có nhựa mủ trắng và độc, ăn lá có thể gây ngộ độc, thậm chí tử vong. Y văn từng ghi lại trường hợp ngộ độc do ăn thịt nướng xiên cành trúc đào, uống nước đựng trong chai nút bằng thân trúc đào hay uống nước suối có rễ cây này mọc gần.

Chất độc từ trúc đào ngấm rất nhanh, gây nôn mửa, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, đi ngoài ra máu. Trường hợp nặng bị trụy tim, tụt huyết áp, hôn mê. Nhựa trúc đào dính vào da làm viêm tấy, bỏng rát, sưng đỏ; dính vào mắt gây loét giác mạc, nếu bị nặng có thể dẫn đến mù mắt.

Xoan

Xoan là cây mọc hoang và trồng nhiều nơi ở nước ta vì dễ trồng, chóng lớn. Chỉ sau vài năm, người dân có thể khai thác gỗ xoan làm nhà, đồ dùng. Vỏ thân xoan chứa hoạt chất có tác dụng diệt giun, ức chế một số vi trùng bệnh ngoài da, trị ghẻ lở.

Tuy nhiên, cây có độc nên người dân cần sử dụng đúng liều lượng. Những người tỳ vị hư yếu, phụ nữ có thai không được dùng. Các thang thuốc có xoan chỉ dùng để rửa, bôi ngoài chứ không được uống.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/top-5-loai-cay-quen-thuoc-chua-duoc-lieu-doc-lam-thuoc-2337474.html
Zalo