Đi cà phê cùng mẹ
Đó là buổi 'đi cà phê' hiếm hoi của chị với mẹ già đã gần 90 tuổi. Hôm đó có 4 thế hệ trong gia đình rủ nhau vào quán cà phê gần nhà. Mẹ chị chọn món uống là chanh nóng…
Hôm nay, tự nhiên chị nhớ mẹ nên xin phép cơ quan nghỉ vài ngày để về quê thăm bà. Chị về hôm trước thì sáng hôm sau rủ mẹ đi ăn sáng, uống cà phê. Tưởng mẹ chối không đi, nhưng không ngờ mẹ chị lại nhận lời vui vẻ. Chị rủ thêm đứa cháu ngoại của bà cùng con của nó đi cho vui.
Thế là bà cố, cùng chị và cháu, chắt thuê taxi đi ăn cháo lươn rồi đi uống cà phê phố huyện, nơi có nhiều quán nước đẹp, xanh mát.
Thực ra, như bao người bố, người mẹ quê miền Trung thuộc thế hệ những năm 30, 40… thế kỷ nước, thứ nước uống quen thuộc của họ là chè chát, hay chè xanh. Đương nhiên, họ vẫn tự mua chè và nấu hoặc om rồi uống chứ rất hiếm khi ra quán.
Chị còn nhớ, hồi nhỏ chị thường giúp mẹ rửa chè, còn anh trai thì đi một vòng hàng xóm, những nhà lân cận để mời họ đến uống nước. Buổi uống nước như những cuộc họp nho nhỏ của những nhà gần vườn nhau để nói chuyện về đồng áng, chuyện con cái học hành.
Hồi đó chị em nhà chị học tương đối khá, cũng không quá nghịch ngợm nên không sợ chuyện các bậc phụ huynh mách nhau về con của người này, người nọ quậy phá…
Những buổi uống chè như vậy trở nên thân thuộc, người lao động ít khi nghĩ đến quán cà phê, huống hồ hồi xưa chỉ có quán nhỏ bán ít bánh kẹo, hoa quả và nước chè chát… Thêm nữa, người làm nông vốn tằn tiện, họ thường so sánh bát phở này bằng mấy cân gạo, món quà kia mấy cân… để rồi hạn chế chi tiêu.
Mẹ chị cũng từng đi nhiều nơi, chủ yếu đi thăm con cái, họ hàng, nhưng bà ít khi vào quán để ăn uống. Nếu buộc phải đi ăn quán cùng con, khi về thế nào bà cũng chép miệng: “Ôi, ăn uống gì mà đắt đỏ quá”…
Khi ngồi vào bàn, nhấp ngụm cà phê chị hỏi mẹ: “Sao hôm nay mẹ vui vẻ nhận lời đi quán thế. mọi lần cứ chối?”.
Mẹ chị nói: “Con gái út mời thì mẹ phải đi chứ…”. Nhưng rồi bà cũng nói rằng, hôm nay bà có chuyện bàn với chị, “thôi thì ra quán bàn cho nhẹ nhõm”. Bà nói rằng, bà đã cao tuổi rồi mà nhà cửa, vườn tược chưa thấy đứa con nào chịu về tiếp quản. Quan trọng là, sau này đứa nào về hưu ở rồi lo chuyện giỗ chạp, thờ cúng…
Bà nói rằng, bà đã hỏi anh con trai cả và được biết là anh ấy đang ở xa nên không biết sau khi về hưu thì có về quê được không.
Chị đang không biết trả lời mẹ ra sao thì bà ướm: “Hay là cô về hưu thì về quê nhé. Tôi thấy chồng chị cũng hợp với quê mình. Anh ấy dù là dân thành thị nhưng thích vườn tược, sống giản dị, hợp với bà con trong làng. Anh chị về ở rồi thỉnh thoảng đi đây đi đó chứ có phải nằm lỳ tại quê đâu”…
Chị nghe mẹ nói mà ứa nước mắt. Bố mẹ cả đời lo cho con cháu, nhịn ăn, nhịn uống nuôi cho con cái ăn học, rồi đến khi già còn lo chuyện mai sau con cái chểnh mảng chuyện gia đình, dòng họ.
Gia đình chị hơi khác là anh em đều lập nghiệp xa quê và khó để trở về quê sinh sống. Bởi, gia đình anh chị nào cũng đã có con, thậm chí có cháu, chúng đều thích sống ở những thành phố lớn, nơi đầy đủ các tiện ích.
Về việc này, chị và mấy anh em ruột cũng đã bàn. Chị nói với mẹ: “Mẹ yên tâm, chúng con đã bàn nhau. Dứt khoát sẽ có người về quê ở. Chúng con đang từ từ tính xem ai ở là thích hợp nhất”.
Hiện nay, sau khi bố chị mất, mẹ chị ở với đứa cháu ngoại, con của chị đầu. Nhà chị đầu cách nhà mẹ vài cây số và chị “cắt cử” đứa con lớn ở với bà cho vui.
Chị cũng đồng ý với mẹ là khi người con nào chịu về quê, tất nhiên là lo chuyện hương khói, giỗ chạp chu đáo.
Nghe chị nói, mẹ chị như giãn khuôn mặt. Bà nói: “Các con biết không? Mẹ chỉ canh cánh trong lòng, khi bố mẹ ra đi, con cái ở mỗi đứa một nơi như cây mất cội. Rồi dần dà, các cháu chẳng biết đến nhau”…
Chị nghe mẹ nói, nhìn nét mặt vui hẳn lên, thầm nghĩ: “Mẹ đừng lo, nếu các anh chị không ai về được thì con sẽ về nhé. Con về để giữ ngôi nhà của bố mẹ, của tuổi thơ chúng con, nơi có bàn thờ tổ tiên, ông bà…”.