TP Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết đầu tư xây dựng đường Vành đai 4
Đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh chạy qua các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 159,31 km, tổng mức đầu tư 120.412,55 tỷ đồng (không bao gồm đoạn đi qua tỉnh Bình Dương).
Thúc đẩy đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội vùng
Ngày 18/4, tại kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.
Đường Vành đai 4 đi qua TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Điểm đầu giao với ngã tư Tóc Tiên-Châu Pha (khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường tỉnh ĐT992, cách đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu khoảng 230m); điểm cuối giao với đường trục Bắc-Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh).
Tổng chiều dài tuyến khoảng 159,31 km (gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu 18,23 km; Đồng Nai 46,08 km; TP Hồ Chí Minh 20,5 km; Long An 74,5km). Đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 47,95 km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) của dự án khoảng 120.412,55 tỷ đồng (không bao gồm đoạn đi qua tỉnh Bình Dương). Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước khoảng 69.780,33 tỷ đồng (57,95%); trong đó, vốn Trung ương 29.576,61 tỷ đồng (24,56%), vốn địa phương 40.203,72 tỷ đồng (33,34%), vốn BOT khoảng 50.632,22 tỷ đồng (42,05%).

Kỳ họp thứ 22 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, thông qua nghị quyết xây dựng đường Vành đai 4.
Đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy đô thị hóa, phát triển kinh tế- xã hội; là trục xuyên tâm đi qua các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa–Vũng Tàu, và là tuyến vành đai cao tốc đô thị của TP Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, việc đầu tư khép kín Vành đai 4 là cần thiết vì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông (HTGT) và hạ tầng đô thị lớn”, với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc” và “Kết nối đồng bộ HTGT với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển”.
Đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng
Cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vì hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế-chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế...
Kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới cho thấy, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Thực tế tại Việt Nam, các địa phương có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước. Đặc biệt, đối với hệ thống đường Vành đai các đô thị đặc biệt như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng đều tác động mạnh mẽ đến kinh tế-xã hội.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP Hồ Chí Minh cùng 7 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu là khu vực quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chính phủ đã xác định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nắm giữ vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt, phát triển bền vững đối với kinh tế đất nước.
Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2%, nhưng GDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước và gần 51% GDP của bốn Vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách. Trong đó, có 4 địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thuộc nhóm cao nhất (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương).
TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế của cả nước, đầu tàu kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà TP đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước, đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Vì vậy việc tiếp tục đầu tư các tuyến đường Vành đai của TP sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Ngoài ra, đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh còn đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng. Qua cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương nối với các tỉnh Tây Nam Bộ; qua cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài nối với Campuchia; qua cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nối Nam Trung Bộ; qua cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kết nối với Vùng Tây Nguyên.