Dùng kem chống nắng kém chất lượng giống mặc áo mưa thủng lỗ

Kem chống nắng không đủ độ che phủ, dùng không đúng cách hay thoa không đều có thể gây nguy hiểm lớn cho làn da và sức khỏe.

Sử dụng kem chống nắng là bước quan trọng trong chăm sóc da hàng ngày, đặc biệt trong điều kiện ánh nắng gay gắt và tia UV ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít sản phẩm, trong đó có cả kem chống nắng bị phát hiện chất lượng thực tế không đúng như công bố.

Tình trạng này khiến người tiêu dùng hoang mang, bởi lẽ việc tin tưởng vào chỉ số chống nắng (SPF) trên nhãn sản phẩm là điều kiện tiên quyết để họ chọn lựa và sử dụng sản phẩm.

Bác sĩ Lê Đình Quốc, chuyên gia ngành Dược tại TP.HCM, cho biết kem chống nắng chỉ phát huy hiệu quả bảo vệ da nếu có chỉ số chống nắng (SPF, PA) phù hợp và được sản xuất đúng tiêu chuẩn.

 Sản phẩm kem chống nắng Hanayuki sunscreen body không phù hợp kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng chỉ (SPF 2,4). Ảnh CMH

Sản phẩm kem chống nắng Hanayuki sunscreen body không phù hợp kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng chỉ (SPF 2,4). Ảnh CMH

Ánh nắng mặt trời chứa các tia tử ngoại (UV) gồm tia UVA và UVB, là nguyên nhân chính gây tổn thương da. Tia UVB chủ yếu gây cháy nắng, còn tia UVA thâm nhập sâu vào lớp hạ bì, phá hủy collagen, elastin khiến da lão hóa sớm, mất đàn hồi. Cả hai loại tia đều có thể làm tổn thương DNA của tế bào da, tăng nguy cơ ung thư da. (Bác sĩ Lê Đình Quốc)

Nếu một sản phẩm không đạt chỉ số chống nắng như công bố, da sẽ bị phơi nhiễm nhiều hơn với tia UV, đặc biệt là tia UVB và UVA, hai tác nhân chính gây cháy nắng, bỏng rát da ngay sau vài giờ phơi nắng. Điều này khiến da lão hóa sớm, xuất hiện nếp nhăn, đốm nâu và tổn thương tế bào DNA dẫn đến nguy cơ ung thư da (bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy, tế bào vảy và u ác melanoma – loại nguy hiểm nhất).

"Vì vậy, kem chống nắng không đủ chỉ số giống như mặc áo mưa thủng lỗ nhìn có vẻ an toàn, nhưng hoàn toàn không bảo vệ thực sự", bác sĩ Quốc nói.

Với những người đang điều trị nám, tàn nhang hoặc có da nhạy cảm, kem chống nắng không chỉ là sản phẩm hỗ trợ mà là điều kiện bắt buộc. Dùng sản phẩm kém chất lượng có thể gây tái phát hoặc làm nặng thêm tình trạng sắc tố vì tia UVA xuyên sâu kích thích tế bào sản xuất melanin.

Cạnh đó, nó còn làm kích ứng, viêm da, ngứa, châm chích, đặc biệt nếu sản phẩm chứa cồn, hương liệu hoặc chất chống nắng không ổn định. Phá hỏng hiệu quả của thuốc điều trị, ví dụ hydroquinone, tretinoin dễ bị phân hủy bởi ánh sáng nếu không có kem chống nắng tốt đi kèm.

Chỉ số SPF (Sun Protection Factor) là một thông số đo lường khả năng chống tia UVB. Chỉ số SPF trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Theo định mức quốc tế thì 1 SPF có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút. Ví dụ kem chống nắng có chỉ số SPF là 15 sẽ có khả năng bảo vệ làn da trong khoảng 150 phút, kem chống nắng có chỉ số SPF 50 có thể bảo vệ da trong 500 phút.

Còn chỉ số PA (protection grade of UVA) là chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA của kem chống nắng. Thông thường trên bao bì kem chống nắng, chỉ số PA được thể hiện kèm theo các dấu “+”. Cụ thể, PA+ có khả năng chống tia UVA ở mức từ 40-50%; PA++ có khả năng chống tia UVA ở mức từ 60-70%; PA+++ có khả năng chống tia UVA tốt lên đến 90% và PA++++ có khả năng chống tia UVA rất tốt, trên 95%.

Để chọn kem chống nắng hiệu quả và an toàn, bác sĩ Lê Đình Quốc khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn sản phẩm có SPF từ 30 trở lên và ghi rõ “broad-spectrum” (phổ rộng chống cả UVA & UVB).

Bên cạnh đó, cần đọc kỹ thành phần tránh các chất dễ gây kích ứng nếu bạn có da nhạy cảm (như Oxybenzone, hương liệu, cồn). Ưu tiên thương hiệu rõ nguồn gốc, có giấy tờ công bố từ Bộ Y tế hoặc tổ chức quốc tế uy tín.

Không tin hoàn toàn vào quảng cáo trên mạng, đặc biệt từ những người không có chuyên môn y tế. Nên thử phản ứng trên vùng da nhỏ, đặc biệt với sản phẩm mới hoặc da nhạy cảm.

Ngoài ra cần thoa đủ lượng kem (khoảng 2mg/cm² da, tương đương một lượng lớn hơn hạt đậu cho mặt), thoa lại sau mỗi 2-3 tiếng hoặc ngay sau khi ra mồ hôi, bơi lội và kết hợp mặc áo dài tay, đội mũ rộng vành, đeo kính râm khi tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp. Đặc biệt, tránh nắng trong khoảng thời gian tia UV mạnh nhất (10 giờ sáng đến 4 giờ chiều).

Mới đây, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo đó, thực hiện công văn của Cục quản lý dược (Bộ Y tế), Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai thông báo ý kiến chỉ đạo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body - hộp 1 tuýp 100g. Nhãn sản phẩm, lô hàng có số tiếp nhận PCB: 779/24/CBMP-ĐN; số lô: 0010125; ngày sản xuất: 060125; hạn dùng: 050127.

Lý do là chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng (SPF 2,4).

Sản phẩm do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group (TP.HCM) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường và Công ty CP Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai (khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) là đơn vị sản xuất.

Yêu cầu Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai báo cáo kết quả thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm nói trên về Sở Y tế Đồng Nai trước ngày 15-6-2025.

DI LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dung-kem-chong-nang-kem-chat-luong-giong-mac-ao-mua-thung-lo-post851223.html
Zalo