7 sai lầm thường mắc khi sử dụng paracetamol hạ sốt cho trẻ

Khi trẻ bị sốt, nhiều bậc cha mẹ có thói quen dùng thuốc hạ sốt ngay lập tức, thậm chí tăng liều với mong muốn cho con nhanh khỏi...

Dưới đây là một số sai lầm cha mẹ thường gặp phải và những nguy cơ:

1. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt không đúng liều theo cân nặng

Đây là sai lầm phổ biến nhất. Không ít phụ huynh dùng thuốc theo độ tuổi hoặc "ước lượng" thay vì tính đúng liều theo cân nặng của trẻ. Liều chuẩn của paracetamol – thuốc hạ sốt phổ biến hiện nay là 10–15 mg/kg/lần, có thể lặp lại sau mỗi 4–6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt. Tổng liều tối đa không quá 60 mg/kg/ngày.

Ví dụ: Một bé nặng 10kg thì liều paracetamol mỗi lần là 100 – 150mg. Nếu dùng loại siro 160mg/5ml thì chỉ nên uống khoảng 3–5ml/lần, không nên vượt quá liều lượng này.

Hậu quả nếu dùng sai liều:

- Thiếu liều: Không hạ sốt, kéo dài thời gian khó chịu của trẻ.

- Thừa liều: Gây độc gan, đặc biệt nguy hiểm nếu dùng lặp lại nhiều lần trong ngày.

Đối với trẻ lớn hơn có thể dùng thuốc hạ sốt dạng viên để uống.

Đối với trẻ lớn hơn có thể dùng thuốc hạ sốt dạng viên để uống.

2. Không dùng đúng dạng thuốc

Một số cha mẹ có thể dùng loại thuốc của người lớn cho trẻ hoặc không dùng đúng dạng bào chế phù hợp với lứa tuổi. Cách dùng đúng:

- Trẻ dưới 2 tuổi: Ưu tiên dùng dạng siro hoặc thuốc đặt hậu môn, dễ uống, dễ hấp thu.

- Trẻ từ 2 tuổi trở lên: Có thể dùng siro, viên nhai hoặc viên nén (tùy khả năng nuốt).

Lưu ý: Tuyệt đối không tự ý dùng aspirin cho trẻ nhỏ, vì có thể gây hội chứng Reye – biến chứng nguy hiểm cho gan và não.

3. Dùng nhiều loại thuốc hạ sốt cùng lúc

Một số phụ huynh vô tình dùng hai hay nhiều loại thuốc, nhưng thực chất lại chứa cùng một hoạt chất để hạ sốt hoặc có thể tự ý tăng liều với mong muốn sốt nhanh hạ. Điều này có thể dẫn đến quá liều thuốc, gây độc gan...

Khuyến cáo: Chỉ sử dụng 1 loại thuốc hạ sốt chứa paracetamol, không kết hợp nhiều loại nếu không có chỉ định của bác sĩ.

4. Không dùng đúng khoảng cách giữa các liều

Nhiều cha mẹ lo lắng khi con sốt cao lại vội vàng cho uống thêm thuốc khi chưa đến thời điểm, dẫn đến dùng quá liều trong ngày.

Nguyên tắc: Cần cách tối thiểu 4–6 giờ giữa các lần uống paracetamol. Nếu trẻ sốt cao trở lại trước thời điểm đó, có thể dùng chườm ấm, lau người hoặc thuốc đặt hậu môn thay thế (nếu được bác sĩ hướng dẫn).

5. Không kiểm tra kỹ thành phần thuốc khác đang dùng

Một số loại thuốc cảm cúm, ho, siro trị bệnh có thể chứa sẵn paracetamol. Nếu cha mẹ không đọc kỹ nhãn dán, có thể vô tình cộng dồn liều paracetamol, dẫn đến ngộ độc gan.

Vì vậy, cần luôn đọc kỹ nhãn thuốc, thành phần hoạt chất, không dùng nhiều thuốc chứa paracetamol trong cùng thời điểm.

6. Dùng thuốc hạ sốt ngay khi trẻ hơi nóng

Không phải lúc nào trẻ sốt cũng cần dùng thuốc, chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi:

Nhiệt độ cơ thể ≥ 38,5°C.
Trẻ sốt <38,5°C nhưng quấy khóc, mệt mỏi, bỏ bú nhiều.

Việc lạm dụng thuốc hạ sốt khi chưa cần thiết sẽ che giấu triệu chứng, gây khó khăn trong chẩn đoán...

7. Những điều cần lưu ý

-Luôn có nhiệt kế trong nhà để kiểm tra thân nhiệt chính xác, không dựa vào cảm giác.

- Tính liều thuốc theo cân nặng thực tế của trẻ.

- Theo dõi sát sau khi dùng thuốc: Nếu trẻ vẫn sốt cao kéo dài trên 48 giờ, xuất hiện các triệu chứng bất thường như co giật, phát ban, khó thở… cần đưa đến bệnh viện ngay.

- Không tự ý tăng liều hoặc phối hợp thuốc nếu không có chỉ định chuyên môn.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Chữa sốt xuất huyết bằng thảo dược, những điều cần lưu ý - SKĐ

BS. Nguyễn Thanh Sang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/7-sai-lam-thuong-mac-khi-su-dung-paracetamol-ha-sot-cho-tre-169250521205004953.htm
Zalo