Đừng để thuế thành rào cản phát triển văn hóa

Theo chương trình dự kiến, chiều 26.11 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Một nội dung vẫn đang thu hút sự quan tâm là tăng thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ văn hóa - nghệ thuật từ 5% lên 10%. PGS. TS. BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, 'tha thiết đề nghị xem xét cẩn trọng' nội dung này, tránh tạo rào cản trong phát triển văn hóa.

Thêm áp lực không nhỏ lên doanh nghiệp

- Theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang hưởng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% sẽ tăng lên 10%. Các doanh nghiệp điện ảnh đã có văn bản khẩn gửi Quốc hội và Chính phủ, cho rằng đề xuất này không hợp lý và đề nghị giữ nguyên mức hiện hành, thậm chí giảm xuống 3%. Ông nghĩ sao về kiến nghị này?

- Đây đang là vấn đề nhận được rất nhiều quan tâm của văn nghệ sĩ nói chung, người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng. Tôi từng phát biểu góp ý nội dung này và cũng đã gửi thư cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tha thiết đề nghị xem xét cẩn trọng việc tăng thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ văn hóa - nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, lên 10% như dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Nghĩa Đức

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Nghĩa Đức

Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, quan điểm thể hiện sự ưu tiên cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh ưu tiên về thuế. Việc tăng thuế vào thời điểm này là đi ngược quan điểm của Đảng cũng như phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian gần đây, đặc biệt từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Bên cạnh đó, điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2022 quy định Nhà nước có ưu đãi về thuế cho lĩnh vực điện ảnh.

Thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến cảnh người Việt Nam chủ yếu xem phim nước ngoài do thiếu phim Việt Nam chất lượng cao, dẫn đến lo lắng về tinh thần người Việt bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lối sống, văn hóa nước ngoài, nguy cơ bị “xâm lăng văn hóa”. Chúng ta rất cần có những bộ phim của người Việt Nam, cho người Việt Nam, vì người Việt Nam để lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, khẳng định sự tự tin và tự hào về lịch sử, văn hóa của đất nước.

“Đầu tư cho văn hóa thể hiện tình yêu đối với văn hóa, nghệ thuật, song đây cũng là lĩnh vực đầu tư vô cùng mạo hiểm. Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều có chính sách ưu đãi thuế cho văn hóa, bằng những quy định pháp luật cụ thể”.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Gần đây, thị trường điện ảnh Việt Nam có một số khởi sắc khi một vài phim ăn khách, có doanh thu cao. Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số, bởi có hàng chục phim đang lỗ ròng. Chính vì thế, rất cần có hành động cụ thể để khuyến khích sản xuất phim Việt Nam cho người Việt Nam. Thực tế, số thuế có thu được từ tăng thêm thuế VAT đối với điện ảnh không lớn, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước…

- Không chỉ doanh nghiệp điện ảnh, mức thuế đề xuất này cũng khiến những người hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa khác lo lắng. Ông có cho rằng, nếu tăng thuế VAT lên 10% sẽ tạo ra rào cản tài chính cho doanh nghiệp văn hóa và nghệ sĩ, nhất là trong bối cảnh chúng ta chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa?

- Đề xuất tăng gấp đôi thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao chắc chắn sẽ gây áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn về tài chính, thậm chí phải giảm quy mô hoặc ngừng hoạt động. Những doanh nghiệp lớn hơn, mặc dù có khả năng điều chỉnh chi phí tốt hơn, vẫn phải đối mặt với nguy cơ giảm sức cạnh tranh do giá thành cao hơn so với sản phẩm ngoại nhập hoặc so với các lĩnh vực khác không bị ảnh hưởng bởi tăng thuế.

Các nghệ sĩ và nhà sáng tạo cũng có thể bị hạn chế nguồn lực để đầu tư vào các sản phẩm chất lượng cao, làm giảm sức cạnh tranh của ngành văn hóa và thể thao nước ta trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Ảnh hưởng đến quyền tiếp cận văn hóa của người dân

- Việc tiếp cận hàng hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao của người dân có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

- Về lâu dài, nếu chi phí hàng hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao tăng lên, người dân có thể sẽ bớt dành thời gian và nguồn lực cho việc thưởng thức chúng, khiến nền tảng văn hóa cộng đồng trở nên yếu đi. Quyền tiếp cận văn hóa, đặc biệt với những người có thu nhập thấp và trung bình, chắc chắn bị ảnh hưởng; đồng thời giảm cơ hội nuôi dưỡng tình yêu văn hóa, nghệ thuật của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Rất cần có hành động cụ thể để khuyến khích sản xuất phim Việt Nam cho người Việt Nam. Ảnh: BHD Cineplex

Rất cần có hành động cụ thể để khuyến khích sản xuất phim Việt Nam cho người Việt Nam. Ảnh: BHD Cineplex

Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách và xây dựng lòng tự hào dân tộc. Khi người dân ít tiếp cận được văn hóa, chúng ta có nguy cơ mất dần bản sắc và sự sáng tạo - những yếu tố nền tảng giúp xã hội phát triển bền vững.

Vì vậy, nếu mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững, chúng ta nên xem xét giữ mức thuế hiện tại, thậm chí đưa ra thêm chính sách hỗ trợ thuế cho lĩnh vực này thay vì tăng lên, để bảo đảm rằng văn hóa, thể thao vẫn được khuyến khích, nuôi dưỡng và lan tỏa trong cộng đồng.

- Nếu không tăng thuế, làm thế nào đểbảo đảm nguồn lực thúc đẩy phát triển văn hóa bền vững?

- Thuế nói chung có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển văn hóa. Từ nguồn thu ngân sách, Nhà nước có thể đầu tư bảo tồn di sản, xây dựng hạ tầng văn hóa, tổ chức các sự kiện nghệ thuật… Nhưng chính sách ưu đãi thuế (miễn/giảm thuế) cũng là giải pháp cụ thể, thiết thực và thành tâm mà chúng ta có thể làm để phát triển văn hóa.

Một chính sách thuế linh hoạt cho các dự án sáng tạo, những ý tưởng táo bạo sẽ là lời động viên mạnh mẽ, giúp các nhà sáng tạo tiếp tục tạo ra những sản phẩm giàu giá trị, làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa.

Những hỗ trợ thuế ưu đãi, những khoản vay với lãi suất thấp sẽ như đôi cánh nâng đỡ các doanh nghiệp còn non trẻ, giúp họ vượt qua khó khăn ban đầu và tiến xa hơn trong việc tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, làm giàu bản sắc Việt Nam.

Những người đang âm thầm dồn tâm huyết để giữ gìn văn hóa truyền thống cũng rất cần được ưu đãi về thuế, để di sản không chỉ được gìn giữ mà còn phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành niềm tự hào dân tộc và là nguồn cảm hứng cho thế hệ tương lai…

Để bảo đảm nguồn lực phát triển văn hóa, Chính phủ có thể triển khai các chương trình khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân tham gia tài trợ cho các dự án văn hóa. Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ cũng có thể cùng nhau thành lập các quỹ văn hóa, nơi mà các nhà tài trợ có thể gửi đóng góp. Những quỹ này có thể được sử dụng để hỗ trợ các dự án bảo tồn di sản, tổ chức sự kiện văn hóa và phát triển nghệ thuật. Bên cạnh đó, tạo ra các mô hình hợp tác công - tư kết nối Nhà nước và khu vực tư nhân, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu thông qua hoạt động văn hóa…

- Xin cảm ơn ông!

Anh Minh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dung-de-thue-thanh-rao-can-phat-trien-van-hoa-post397405.html
Zalo