Đưa vợ 30 triệu/tháng nhưng lúc nào cũng bảo thiếu, tôi bắt vợ sao kê thì giật mình trước một khoản 'vô lý'
Tôi không biết vợ tiêu xài kiểu gì mà chẳng bao giờ thấy dư.
Tôi năm nay 35 tuổi, đã có vợ và 1 con đang học mẫu giáo. Trong gia đình, tôi là người lo kinh tế chính, còn vợ chủ yếu nội trợ, chăm sóc con và kinh doanh một tiệm mỹ phẩm nhỏ tại nhà. Chúng tôi ở thành phố, tuy nhiên chỉ là nhà thuê chứ hiện tại vẫn chưa có nhà riêng. Nhưng tôi nghĩ, với tình hình này thì không biết khi nào mới xây được cái nhà. Tôi làm không có dư gì cả, mỗi tháng còn phải đưa vợ 30 triệu chi tiêu cho gia đình, thế nhưng lúc nào cô ấy cũng bảo thiếu.
Tôi chả hiểu cô ấy cân đo đong đếm thế nào, trong khi nhìn vợ nhà hàng xóm mà tôi phát hờn ganh tỵ. Chồng hàng xóm làm lương thấp hơn tôi, cũng có 1 mụn con, tuy nhiên theo lời chị ấy kể thì mỗi tháng chồng chị chỉ đưa 15 triệu, vậy mà giờ chị ấy còn có hẳn một khoản dư và cách đây nửa tháng đã tậu cho chồng chiếc xe ô tô để đi làm.
Ảnh minh họa
Thấy tôi than vãn vì làm còng lưng nhưng chi tiêu trong nhà cao nên mãi vẫn không tiết kiệm được đồng nào, chị hàng xóm đã mách tôi về nhà bảo vợ sao kê các khoản để nắm tình hình, chứ nhiều khi giao hết cho vợ không quan tâm thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Hiểu ý chị, tối hôm đó tôi đã bắt vợ liệt kê ra tất tần tật những khoản chi của gia đình.
Cô ấy khá bất ngờ với yêu cầu này của tôi, nhưng cũng chịu làm theo. Sau khi xem qua, tôi thấy không có gì lạ cho đến khi giật mình trước 1 khoản mà tôi cho là rất vô lý và nó chiếm khá lớn tổng số tiền hàng tháng.
Cụ thể các khoản như sau: Học phí của con 5 triệu đồng/tháng; Chi phí ăn uống cho gia đình 8 triệu đồng/tháng; Tiền xăng xe, điện thoại 1 triệu/tháng; Tiền điện nước 1 triệu/tháng; Hoa quả, sữa, bánh kẹo cho con khoảng 3 triệu đồng; Mua sắm quần áo cho gia đình khoảng 3 triệu; Phí phát sinh khác 3 triệu; Cho con đi chơi, cafe khoảng 6 triệu.
Bình thường tôi đi làm nên không theo dõi sát sao chuyện vợ con ở nhà, tôi không hiểu cô ấy làm gì mà cho con đi chơi, cafe mỗi tháng tốn đến tận 6 triệu, một số tiền không nhỏ và tôi tin rằng, nhiều người cũng sẽ thấy nó vô lý, thậm chí là phung phí.
Vì chuyện này mà tôi đã trách vợ, và hai vợ chồng cãi nhau. Tuy nhiên, sau khi nghe vợ giải thích tôi mới xấu hổ. Cô ấy bảo, sở dĩ chi phí cho khoản đó cao là vì cô muốn con không chỉ học chữ ở trường, mà còn muốn con trau dồi các kỹ năng xã hội, năng khiếu nghệ thuật hoặc thể thao ngoài trời.
Ảnh minh họa
Vậy nên, vợ tôi thường xuyên đưa con trai tham gia các hoạt động này, và các hoạt động đều được tổ chức bài bản tại các trung tâm hoặc tổ chức có chuyên môn nên mỗi lần tham gia thì phí sẽ cao hơn so với các hoạt động vui chơi bình thường khác.
Tuy nhiên, vợ lại không nói với tôi về chuyện này vì cô ấy biết tôi đi làm đã đủ mệt mỏi nên chuyện chăm con, dạy con ra sao cô ấy tự mình quyết định. Nghe vợ chia sẻ, tôi cũng cảm thấy bản thân mình làm bố mà tệ quá, dù công việc bận rộn ra sao thì vẫn phải dành thời gian cho gia đình, để biết vợ con ở nhà làm gì, ra sao, chứ cứ đưa tiền rồi phó mặc cho vợ lo liệu, đến khi phát sinh vấn đề lại không biết gì, còn trách lầm vợ.
Mặc dù chi tiêu khá cao, nhưng tôi đồng tình với vợ, đầu tư cho con là khoản đầu tư có lãi nên thôi thì tôi sẽ cố gắng làm để nâng cao thu nhập của bản thân, thay vì cắt giảm chi tiêu gia đình…
Tâm sự từ độc giả quocanhtran…@gmail.com
Trên thực tế, không có một mức cụ thể nào được áp dụng chung cho tất cả các bậc bố mẹ khi nuôi con, nó sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Nhưng có một mẫu chung duy nhất là bố mẹ nào cũng đều muốn mang đến cho đứa trẻ của mình một cuộc sống tốt nhất, đủ đầy nhất, không ai mong con sẽ lớn lên trong sự thiệt thòi cả.
Tuy nhiên, để duy trì cuộc sống tốt và đảm bảo tài chính nuôi con lâu dài, các ông bố bà mẹ có thể áp dụng những mẹo nuôi con nhỏ tiết kiệm sau:
- Nhờ ông bà ở quê gửi thực phẩm lên cho con: Thực phẩm vừa tươi sạch, đảm bảo mà giá thành lại rẻ hơn.
- Tách từng khoản chi tiêu cho vào phong bì riêng để tránh tiêu lẹm.
- Nên vạch ra những khoản mục nào có thể tiết kiệm. Ví dụ như quần áo cho bé. Vì trẻ còn nhỏ, lớn rất nhanh nên tiêu chí mặc quần áo cho bé chỉ cần đảm bảo cotton thoáng mát và sạch sẽ, chứ không cần mua quá nhiều. Những bộ đồ đẹp chỉ cần mua ít một, tùy theo từng thời kỳ bé lớn lên.
- Mua đồ cho con nên chờ đợt khuyến mại. Ngoài ra, mẹ chỉ tập trung mua đồ cho con ở 1 đến 2 cửa hàng nhất định để tích điểm thưởng, nhận thẻ khách hàng thân thiết và chiết khấu.