Đưa hàng vào Thái Lan, doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Bao bì hấp dẫn, cung cấp thông tin rõ ràng và làm nổi bật điểm mạnh của sản phẩm là rất quan trọng để thu hút người tiêu dùng Thái Lan.

Sáng ngày 22-5, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức hội thảo “Thách thức, cơ hội và tiềm năng khi xuất khẩu vào thị trường Thái Lan”.
Phát biểu khai mạc, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, nhấn mạnh trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế Việt Nam - Thái Lan đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Thái Lan luôn giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong khu vực. Hai nước đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận thương mại, đặc biệt là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 20,26 tỷ USD, tăng 6,36% so với năm trước. Năm 2025, hai nước đã cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD.
Riêng với TPHCM, Thái Lan là một trong những đối tác quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường Thái Lan cũng như các nước trong khu vực ASEAN.
Tại hội thảo, ông Chailermchai Pornsiripiyakool, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại quốc tế và phát triển bền vững Central Retail Việt Nam, đã đưa ra những đề xuất chính cho việc nhập khẩu sản phẩm vào thị trường thương mại của Thái Lan. Để thành công, các doanh nghiệp cần chú trọng đến bao bì hấp dẫn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tuân thủ quy định về nhãn mác và hướng đến phát triển xanh.
Giá cả sản phẩm phải hợp lý, kết hợp với các chương trình khuyến mãi theo mùa. Đồng thời, việc cung cấp thông tin rõ ràng và làm nổi bật điểm mạnh của sản phẩm là rất quan trọng để thu hút người tiêu dùng. Hiện, các mặt hàng Việt Nam có tiềm năng lớn tại thị trường Thái Lan bao gồm hải sản, khoai lang, thanh long, cà phê, nước sốt và gia vị.
Ông Chailermchai Pornsiripiyakool nói thêm quy trình nhập khẩu vào Thái Lan bao gồm các bước chính như tạo tài khoản trên hệ thống hải quan trực tuyến, xác minh sự tuân thủ của sản phẩm, khai báo và kiểm tra, thanh toán thuế và cuối cùng là kiểm tra, thông quan hàng hóa. Đối với mặt hàng thực phẩm, giấy phép nhập khẩu thực phẩm từ FDA Thái Lan là bắt buộc.
Ngoài ra, các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn về nhãn mác và các biện pháp kiểm soát chất lượng. Các yêu cầu cụ thể khác nhau tùy theo loại sản phẩm, ví dụ như chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm tươi sống hoặc tiêu chuẩn của Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan (TISI) đối với hàng phi thực phẩm. Tất cả các sản phẩm đều cần có C/O mẫu D.
Để nhập khẩu thực phẩm, doanh nghiệp cần cung cấp các chứng từ quan trọng như chứng nhận sản xuất được phê duyệt, bảng thông số kỹ thuật sản phẩm, bảng liệt kê 100% nguyên liệu thành phần, hình ảnh bao bì sản phẩm và Giấy chứng nhận phân tích (COA) về thành phần dinh dưỡng từ phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO17025. Nếu bao bì có các ghi nhãn đặc biệt như “giàu vitamin” hay “ít đường”, cần phải có kết quả kiểm nghiệm bổ sung.
Tại hội thảo nhiều thắc mắc thực tế của các doanh nghiệp cũng được phía ITPC và đại diện Central Retail Việt Nam chia sẻ, giải đáp.