Doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ, siết gian lận bằng hậu kiểm

Bộ Công thương đang đề xuất chính sách mới: doanh nghiệp xuất khẩu được 'tự chứng nhận xuất xứ', 'xác định trước' và siết gian lận bằng hậu kiểm.

Bộ Công thương thông tin, chiều 23-5, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp và các bên liên quan đối với dự thảo lần 2 Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (nghị định mới).

Nghị định mới được xây dựng nhằm thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP hiện đang áp dụng.

Theo Bộ Công thương, dự thảo mới có nhiều điểm mới, tiệm cận thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tăng cường hiệu lực quản lý.

Trong đó, đáng chú ý là việc bổ sung nhiều khái niệm mới, làm rõ định nghĩa về xuất xứ hàng hóa ưu đãi, không ưu đãi và tự chứng nhận; nhấn mạnh cơ chế “tự chứng nhận xuất xứ” (điều kiện then chốt để thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA); siết chặt quy định về kiểm tra, xác minh, thu hồi và xử phạt trong các trường hợp gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

 Doanh nghiệp sẽ tự chứng nhận xuất xứ, cơ quan chức năng tăng cường hậu kiểm. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp sẽ tự chứng nhận xuất xứ, cơ quan chức năng tăng cường hậu kiểm. Ảnh minh họa

Dự thảo của nghị định mới cũng nêu đề xuất phân định rõ trách nhiệm giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính, trong đó có nội dung phân cấp, ủy quyền cấp C/O điện tử và hậu kiểm; đồng thời bổ sung cơ chế “xác định trước xuất xứ” cho hàng hóa nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại và tăng tính minh bạch cho doanh nghiệp.

Dự thảo này được kỳ vọng hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, rõ ràng và hiệu quả hơn trong việc xác định xuất xứ hàng hóa, góp phần bảo vệ uy tín hàng Việt trong bối cảnh các thị trường ngày càng siết chặt quy tắc xuất xứ.

PHÚC VĂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doanh-nghiep-duoc-tu-chung-nhan-xuat-xu-siet-gian-lan-bang-hau-kiem-post796387.html
Zalo