Những người phụ nữ Tây Nguyên biến ước mơ nhỏ thành sinh kế lớn

Khi phụ nữ được tiếp cận tri thức, được đứng ở vị trí trung tâm trong các quyết định kinh tế, họ không chỉ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cải thiện cuộc sống của chính mình mà còn ươm mầm cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên biết mơ ước, dám hành động và thay đổi tích cực.

Từ ước mơ nhỏ đến tạo sinh kế cho cộng đồng

Ở buôn làng Cư Drăm, huyện Krông Bông, Đắk Lắk, cái tên H'Nối Byă, hay chị H'Nối trồng nấm giờ đây không còn xa lạ với nhiều người.

Chị H'Nối cho biết, trước kia, ước mơ trồng nấm tại nhà của chị chỉ là suy nghĩ chợt thoáng qua giữa bộn bề công việc và nỗi lo cơm áo. Ước mơ ấy sẽ vẫn mãi nằm trong suy nghĩ – cho đến khi chị tham gia dự án và được nhận hỗ trợ để chị quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực.

Dự án She Feeds the World, được tài trợ bởi Quỹ PepsiCo, được triển khai bởi CARE, CDC Đắk Lắk, PSAV và NAEC từ năm 2022, với mục tiêu thúc đẩy canh tác bền vững, nâng cao năng suất và hỗ trợ sinh kế cho nông dân – đặc biệt là phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên.

Sau các buổi tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thị trường, chị H'Nối cùng một số chị em trong buôn đã thành lập nhóm trồng nấm. Họ cùng nhau sản xuất, khảo sát thị trường và bán hàng qua mạng xã hội. Nhờ chất lượng tốt và được người tiêu dùng ủng hộ, nấm làm ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí không đủ cung cấp.

Những bịch nấm của chị H'Nối tạo thêm nguồn thu nhập thụ động cho cả buôn làng.

Theo chị H'Nối, trồng nấm không quá phức tạp, phù hợp với cả những người có ít vốn và thời gian. Với nhu cầu tiêu dùng nấm sạch ngày càng cao, đây là sinh kế bền vững và tiềm năng. Hiện chị cũng đang liên kết với nhà hàng để ổn định đầu ra. "Trồng nấm khiến tôi tự tin hơn. Khi chị em đến tận nhà xem tôi tưới và thu hoạch nấm, thấy họ hào hứng, tôi cảm thấy rất tự hào", chị H'Nối chia sẻ.

Tiềm năng lớn từ đàn gà nhỏ

Biết được giá trị của gà đen trong văn hóa và trong phát triển kinh tế của dân tộc Hmông mình, chị Giàng Thị Cháng, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông rất mong muốn nuôi loại gà này để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, điều cản trở chị là giá thành tại Đắk Lắk cao, chưa có sẵn tại địa phương, kèm theo việc chưa có kinh nghiệm nuôi gà theo hình thức bán chăn thả.

Từ khi tham gia vào Dự án, chị Cháng đã từng bước đạt được dự định của mình. Với sự hỗ trợ của dự án, gia đình chị được đến tận nơi cung cấp giống để chọn gà với giá hợp lý. Những kiến thức hoàn toàn mới về làm chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh cho gà được chị nhanh chóng áp dụng sau mỗi buổi tập huấn. "Nuôi gà này rất vui vì có gì không biết mình có thể hỏi dự án và mọi người, lại có chồng cùng làm nữa", chị Cháng hào hứng.

Chị Cháng bản tồn được giống gà đen của dân tộc Hmông mình

Bên cạnh giá trị thực phẩm, gà đen còn có những ưu thế về thể chất và năng suất như ít bệnh, dễ nuôi với những loại thức ăn dễ kiếm như cây chuối băm, cám, ngô và thóc. Chỉ từ đàn gà 20 mái và 3 trống, gia đình chị Cháng thu được hơn 200 trứng trong thời gian ngắn. Ngoài số trứng tặng cho người quen, chị cũng sử dụng máy ấp để có được hai lứa gà gần 120 con với tỉ lệ ấp nở và nuôi sống rất cao. Tự tin với kết quả như hiện tại, chị Cháng chia sẻ dự định sớm tăng đàn lên gấp đôi và tiến tới mở trại để cung cấp gà giống cho bà con địa phương.

"Có tiền bán gà, tôi sẽ đa dạng thêm cây trồng, vật nuôi để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình bảy người. Tôi cũng mong muốn mở trại giống cung cấp cho địa phương, hướng dẫn chị em trong xã kiến thức, kỹ thuật nếu họ muốn nuôi gà đen", chị Cháng chia sẻ.

Cải thiện sinh kế từ trồng dâu nuôi tằm

Sau giai đoạn nuôi heo không thành công, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy tại xã Cư Drăm, huyện Krông Bông đã tìm tòi để chuyển hướng sang trồng dâu nuôi tằm. Là một trong những người nuôi tằm đầu tiên tại thôn, khởi đầu của vợ chồng chị trải đầy gian nan do chưa có kinh nghiệm và thiếu tiếp cận thị trường. Khi công việc dần ổn định, dịch Covid tới, khó khăn chồng chất lại khiến gia đình chị trở về gần hơn với vạch xuất phát.

Với sự quyết tâm của mình cùng sự đồng hành từ Dự án, chị Thúy từng bước hồi phục, phát triển việc trồng dâu nuôi tằm. Không còn những ngày lặn lội ngoài tỉnh để mua giống, chị đã có thể kết nối đầu vào và đầu ra cho sản phẩm ngay tại thôn nhờ có thành viên nhóm đảm nhận việc ươm giống và thu mua kén. Được hỗ trợ vốn hạt giống từ dự án, các thành viên trong tổ tương trợ vốn (VSLA) đã đầu tư mua trang thiết bị và mở rộng sản xuất, trong đó chị Thúy đã mua máy tưới đạm cá và chuẩn bị mở nhà xưởng ngay gần ruộng dâu.

Chị Thúy được hỗ trợ vốn đầu tư mua trang thiết bị và mở rộng sản xuất

Đến nay, chị Thúy đã nâng quy mô trồng dâu lên 4 ha với quyết tâm phát triển việc nuôi tằm bởi đây là nguồn thu nhập quan trọng, giúp cải thiện cuộc sống gia đình với 4 người con đang ở độ tuổi đi học. Chị chia sẻ, với mỗi hộp tằm, người nông dân có thể thu được khoảng 8 triệu đồng trong vòng 15 ngày sau khi trừ các chi phí. Ngoài ra, chỉ cần chờ thời gian ngắn giữa mỗi lứa tằm và cây dâu có thể thu hoạch trong thời gian dài lên tới 15 năm.

Từ những bịch phôi nấm bé nhỏ, từ đàn gà đen đầu tiên hay những nong tằm đan bằng tre nứa, được hướng dẫn, trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng; chị H'Nối, chị Cháng, chị Thúy và nhiều phụ nữ khác ở Tây Nguyên đang dệt nên giấc mơ lớn - giấc mơ của sự thay đổi, của sự bền vững và của một tương lai có thể tự mình làm chủ. Họ không còn e dè trước cái mới, mà đã tự tin cải thiện sinh kế, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Thu Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-nguoi-phu-nu-tay-nguyen-bien-uoc-mo-nho-thanh-sinh-ke-lon-20250522161014373.htm
Zalo